Bên cạnh phấn khởi trước thông tin về đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, bạn đọc Báo Thanh Niên cũng hy vọng không tái diễn căn bệnh chậm tiến độ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, cho biết năm 2025 là thời điểm TP hoàn thành nhiều công trình lớn. Đặc biệt, năm nay TP.HCM sẽ khởi công 15 công trình, gói thầu lớn để chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Đó là các dự án mang tính chất đặc biệt quan trọng như: cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (giai đoạn 1), cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2, cầu đường Nguyễn Khoái, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài…
Liên quan về triển khai các quy định mới đầu tư các dự án công trình, Sở GTCC kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo Sở Tài chính sớm tham mưu, trình UBND TP điều chỉnh, bổ sung, thay thế các quy định cũ không còn phù hợp với luật Đầu tư công 2024; luật sửa đổi luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

TP.HCM xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chính tạo sức bật kinh tế cho TP trong giai đoạn tới
ẢNH: ĐỘC LẬP
Ông Nguyễn Văn Được khẳng định: “Giao thông là ngành có vai trò quan trọng, chính yếu trong đầu tư công của TP.HCM, là huyết mạch của nền kinh tế. Nhiệm vụ trọng tâm của TP trong thời gian tới là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tháo gỡ “cục máu đông” của nền kinh tế là những điểm nghẽn tại các dự án, đưa các dự án đi vào vận hành…”.
Huyết mạch không được nghẽn
Tán đồng với nhận định “giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế”, đa số bạn đọc (BĐ) đều cho rằng một nền kinh tế khỏe mạnh thì không được để huyết mạch bị tắc nghẽn. BĐ Nguyen Anh Nghi nhận xét: “Muốn thúc đẩy phát triển thì giao thông phải kết nối hiện đại, lưu thông tuần hoàn, chứ để tắc nghẽn thì khó mà làm gì được. Chưa kể phải đi trước một bước, chủ động tổ chức nhiều loại hình giao thông kết hợp với nhau mới mang lại hiệu quả”.
Cùng nhận định, BĐ Trường Lưu đề nghị: “Nhận diện được “cục máu đông” thì cần nhanh chóng khắc phục, xử lý. Điều này nằm trong tầm tay của chính quyền TP”.
Đề cập nhiều dự án hạ tầng giao thông vừa được đưa vào sử dụng thời gian qua tại TP.HCM, BĐ Minh Nghĩa chia sẻ: “Thật sự là vừa vui vừa như thở phào vì không ít những công trình trong số đó đã “treo” tiến độ nhiều năm qua, giờ mới hoàn thành”.
Tránh tái diễn bệnh chậm tiến độ
Nhiều BĐ cho rằng điều cần ưu tiên hiện nay là thi công đảm bảo đúng tiến độ đề ra, đúng chất lượng công trình vì TP đã có nhiều “bài học lớn” về những công trình kéo dài cả thập niên. BĐ Thuy nêu ý kiến: “Làm cách nào để tránh tái diễn căn bệnh đội vốn, chậm tiến độ tại các dự án hạ tầng giao thông? Câu hỏi này đặt ra nhiều lần rồi. Rất mong các cơ quan quản lý có phương án chu toàn”.
Nhiều BĐ cũng chỉ ra một trong các điểm vướng tại các dự án giao thông là vấn đề thủ tục. BĐ Nam Xuyen nêu: “Nhiều khi thiết kế công trình có một tháng, nhưng đi thỏa thuận từ tham vấn người dân lên đến phường, quận, sở mất cả năm cũng chưa xong”.
Từ những băn khoăn trên, BĐ TranThinh đề nghị: “Khâu thủ tục phải nhanh, gọn, lẹ, đơn giản, thi công với chất lượng tốt, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, dự án sẽ thông suốt”. BĐ Phạm Sanh đề nghị thêm: “Cũng cần cân nhắc hình thức tư nhân tham gia chia sẻ đầu tư công và cung cấp dịch vụ công, cùng nhau san sẻ lợi ích và rủi ro. Như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ chậm tiến độ vì đầu tư đồng loạt”.
Hy vọng các chiến lược, kế sách và quyết tâm của TP.HCM sẽ đi đến mục tiêu.
Benz
Tập trung xử lý những bất cập của hạ tầng giao thông để tạo điều kiện cho TP.HCM thực sự thay da đổi thịt.
Thanh Nguyên
Mong TP.HCM dồn sức mở đường, xây cầu, kết nối giao thông… một lần rồi cả trăm năm sau không phải lo nữa.
Kham Vo
Nguồn: thanhnien.vn