Hiện tại, giá trị sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của H.Bắc Tân Uyên đang phát triển hài hòa. Trong thời gian sắp tới, với những lợi thế của mình, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương này hứa hẹn sẽ bứt phá mạnh mẽ.

H.Bắc Tân Uyên có sông Đồng Nai (bìa trái) và sông Bé (bìa phải) chảy qua tạo ra vùng chuyên canh cây ăn trái
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Thành lập sau cùng, nhưng tốc độ đô thị hóa khá nhanh
Nằm ở phía đông tỉnh Bình Dương, H.Bắc Tân Uyên giáp với H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và giáp TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và H.Phú Giáo, H.Bàu Bàng; cách TP.HCM khoảng 48 km; cách TP.Thủ Dầu Một khoảng 34 km.

H.Bắc Tân Uyên được thành lập sau cùng ở Bình Dương nhưng có tốc độ đô thị hóa khá nhanh
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Là một trong những huyện mới, được thành lập sau cùng, nhưng H.Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ. Kinh tế của H.Bắc Tân Uyên hình thành 2 vùng phát triển tương đối hài hòa là vùng phát triển công nghiệp và nông nghiệp.

Khu công nghiệp VSIP 3
ẢNH ĐỖ TRƯỜNG
Vùng phát triển công nghiệp ở H.Bắc Tân Uyên bao gồm TT.Tân Thành, TT.Tân Bình cùng các xã Đất Cuốc, Bình Mỹ và Tân Lập, với những khu công nghiệp (KCN) lớn như VSIP 3, Tân Bình, Đất Cuốc, tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.812 tỉ đồng (năm 2024).

Vùng chuyên canh cây ăn trái Hiếu Liêm, H.Bắc Tân Uyên
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Vùng phát triển nông nghiệp tập trung ở các xã giáp với sông Đồng Nai và sông Bé như: Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Định và Thường Tân với những vườn cây ăn trái bạt ngàn làm nên những thương hiệu nổi tiếng như cam, bưởi Bắc Tân Uyên… tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2024 đạt 2.290 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp của H.Bắc Tân Uyên đạt khá cao trong cơ cấu kinh tế
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Với lợi thế nằm giáp sông Bé và sông Đồng Nai là khu vực có địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng cây ăn trái có múi nên từ năm 2010 đến nay, các vùng chuyên canh cây ăn trái ở H.Bắc Tân Uyên mang giá trị và hiệu quả kinh tế cao.

Sông Bé chảy qua địa bàn H.Bắc Tân Uyên có chiều dài hơn qua các huyện khác
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Theo định hướng của huyện, trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở TT.Tân Thành với quy mô khoảng 153 ha; TT.Tân Bình quy mô khoảng 208 ha; xã Bình Mỹ quy mô khoảng 230 ha và xã Tân Định với quy mô khoảng 444 ha.

Cầu Thủ Biên bắc qua sông Đồng Nai nối H.Bắc Tân Uyên với H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai)
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Quy hoạch mới 5 khu công nghiệp
Với lợi thế về các tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn như đường Vành đai 4 TP.HCM; đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… đã hình thành các KCN.

Đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua H.Bắc Tân Uyên đã hình thành
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Hiện tại, trên địa bàn H.Bắc Tân Uyên đang có các KCN lớn như: KCN Tân Bình thành lập năm 2012 với diện tích trên 352 ha; KCN VSIP 3 diện tích 1.000 ha (nằm trên địa bàn xã Tân Lập, H.Bắc Tân Uyên và P.Hội Nghĩa, TP.Tân Uyên); KCN Đất Cuốc diện tích trên 553 ha, thành lập năm 2007…

H.Bắc Tân Uyên đã quy hoạch mới thêm 5 KCN
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Hiện nay, H.Bắc Tân Uyên đã quy hoạch mới 5 KCN mới với tổng quy mô khoảng 2.769 ha và 7 cụm công nghiệp với tổng quy mô khoảng 493,5 ha.
Theo đó, KCN Bắc Tân Uyên 1 tại xã Bình Mỹ có quy mô 786 ha được đầu tư xây dựng làm KCN cơ khí đầu tiên của Bình Dương; KCN Bắc Tân Uyên 2 ở TT.Tân Thành quy mô khoảng 425 ha; KCN Bắc Tân Uyên 3 tại xã Tân Lập, quy mô khoảng 288 ha; KCN Bắc Tân Uyên 4 tại xã Bình Mỹ, quy mô khoảng 770 ha và KCN Bắc Tân Uyên 5 tại xã Tân Mỹ, quy mô khoảng 500 ha.
Nguồn: thanhnien.vn