Cựu Tổng giám đốc SCB cho rằng mình không tham gia họp về phát hành trái phiếu, việc ăn cơm trưa với bị cáo Trương Mỹ Lan là do “bị cáo Lan hay mời anh em ăn cơm”.
Ở phiên xét xử sơ thẩm năm 2024, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội rửa tiền, 8 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp hình phạt là án chung thân.
Đồng thời, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 bị hại.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (52 tuổi, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn, gọi tắt là SCB), giai đoạn 1 bị xử tù chung thân tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ở giai đoạn 2 này của vụ án, bị cáo Văn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm năm 2024 phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 5 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn
ẢNH: NHẬT THỊNH
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) tham gia vào quy trình phát hành trái phiếu khống tại các Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận và Công ty Setra với vai trò tham vấn cho bị cáo Trương Mỹ Lan, đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công.
Đồng thời, bị cáo Văn ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI về việc hợp tác giới thiệu, môi giới nhà đầu tư mua trái phiếu. Từ đó, bị cáo đã giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 28.000 tỉ đồng của các bị hại liên quan đến các gói trái phiếu của 3 công ty trên.
Ngoài ra, bị cáo lợi dụng nghiệp vụ thanh toán quốc tế tại SCB, ký duyệt tổng cộng 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các loại hợp đồng “khống” và không đủ điều kiện chuyển tiền. Hành vi của bị cáo Văn đã giúp sức tích cực cho bị cáo Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 516 triệu USD (tương đương hơn 11.900 tỉ đồng).
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Văn kháng cáo xin tòa làm rõ nội dung bản án sơ thẩm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo đề nghị tòa xem xét lại về việc bản án sơ thẩm buộc bị cáo chịu trách nhiệm về quy trình phát hành trái phiếu khống tại Công ty Setra.
Cũng theo bị cáo Văn, tòa sơ thẩm quy buộc bị cáo giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 28.000 tỉ đồng. Thế nhưng thực tế bị cáo chỉ tham gia phát hành trái phiếu Công ty An Đông và Công ty Quang Thuận, với trái phiếu chưa chuyển nhượng khoảng 8.000 tỉ đồng chứ không phải 28.000 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)
ẢNH: NHẬT THỊNH
Về hành vi vận chuyển trái phép tiền qua biên giới, bị cáo Văn khai khi ký các giao dịch chuyển tiền, ngân hàng là công ty tài chính trung gian, có hồ sơ đầy đủ bị cáo ký phê duyệt. Vì thế bị cáo không ý thức được việc ký này là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho rằng không có chuyện bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị cáo và không tham gia họp về phát hành trái phiếu. Lần ăn cơm trưa với bị cáo Lan và một số bị cáo khác, bị cáo Văn cho rằng sở dĩ mình có mặt là “bị cáo Lan hay mời anh em ăn cơm”.
Bởi theo bị cáo Văn, việc phát hành trái phiếu không có ngân hàng thì vẫn phát hành được, ngân hàng chỉ là kênh phân phối. Không nên chỉ vì bữa cơm mà quy kết bị cáo tham gia vào phát hành trái phiếu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan khai thêm: “Buổi ăn trưa rất bình thường, không có buổi ăn cơm nào thong thả mà họp với nước ngoài. Một tháng ở Việt Nam vài lần, bị cáo không nghĩ ăn cơm trở thành câu chuyện để phát hành trái phiếu.
Phiên tòa tạm ngưng đến ngày 3.4 sẽ bước sang phần tranh luận.
Nguồn: thanhnien.vn