Tình trạng trường ĐH sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển “lạ”, không có môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo, đang diễn ra phổ biến năm nay. Các chuyên gia lo ngại cách làm này có thể dẫn đến hệ lụy xấu với người học và ảnh hưởng chất lượng đào tạo bậc ĐH.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng một điểm thí sinh (TS) cần đặc biệt lưu ý khi xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổ hợp môn, điều này xuất phát từ đặc điểm của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Học sinh lớp 12 hiện đang được ôn tập theo các tổ hợp môn thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh: “Khi ban hành Chương trình GDPT 2018, mục tiêu từ lớp 10 đến lớp 12 là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp”. Theo thông tin được công bố về chương trình, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình GDPT giai đoạn này được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, ở lớp 10 môn lịch sử và địa lý giúp học sinh (HS) có cơ sở vững chắc để định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp; ở lớp 11 và lớp 12, chương trình nhằm hỗ trợ cho những HS có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan…
Do đó, ngay khi vào lớp 10, HS Chương trình GDPT 2018 được học 9 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, HS chỉ chọn thêm 4 môn trong số các môn tự chọn gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. “Với cách thức này, HS không học tất cả các môn có trong chương trình GDPT như trước đây. Trong chương trình GDPT cũ, HS dù học phân ban vẫn được học tất cả các môn. Nay chương trình mới, tính chất phân ban càng mạnh hơn khi HS hoàn toàn không học môn khác với định hướng nghề nghiệp bản thân”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
MỞ RỘNG TỐI ĐA TỔ HỢP MÔN ĐỂ ĐẢM BẢO NGUỒN TUYỂN
Từ chương trình học, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng quy định, HS chỉ thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn đã học trong chương trình GDPT. Trên lý thuyết, theo tiến sĩ Nghĩa, cách thi này sẽ tạo ra 36 tổ hợp chọn 4 môn thi tốt nghiệp. Từ các môn thi tốt nghiệp sẽ sinh ra 81 tổ hợp 3 môn xét tuyển ĐH. Nhưng trên thực tế, do HS không học hết tất cả các môn học trong Chương trình GDPT 2018 nên số tổ hợp môn thi tốt nghiệp của mỗi TS sẽ ít hơn 36, số tổ hợp xét tuyển ĐH từ các môn đã học cũng thấp hơn con số 81. Vấn đề cần làm của các trường ĐH là xây dựng được các tổ hợp xét tuyển đủ để HS có thể lựa chọn nhưng vẫn đảm bảo được kiến thức nền tảng của người học phù hợp với ngành nghề.
Nhưng thực tế, nhiều trường ĐH đã mở rộng tối đa tổ hợp môn xét tuyển để đảm bảo nguồn tuyển. Khi đó, TS dù chọn môn thế nào cũng đảm bảo có thể đăng ký xét tuyển vào trường. Hiện đã có trường ĐH công bố sử dụng tới 20 tổ hợp xét tuyển cho một ngành – cao hơn rất nhiều so với quy định tối đa 4 tổ hợp xét tuyển mỗi ngành của các năm trước.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển mà ở đó không có môn học cốt lõi phù hợp với ngành đào tạo, ví dụ ngành dược không xét môn sinh và hóa, sư phạm vật lý không xét tuyển môn lý, sử dụng môn giáo dục kinh tế và pháp luật xét các ngành kỹ thuật, điều dưỡng… Trước bối cảnh đó, tiến sĩ Nghĩa nhìn nhận: “Việc nhiều trường ĐH xây dựng tổ hợp xét tuyển không theo định hướng nghề nghiệp, thiếu môn học cốt lõi với ngành đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng không đạt được mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Nói cách khác là không có sự tương thích giữa mục tiêu định hướng nghề nghiệp của chương trình học với thực tế chọn môn xét tuyển ĐH trong các trường hợp trên”.

Học sinh lớp 12 đang ráo riết học tập chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“VÀO ĐH, CÁC EM HỌC NHƯ THẾ NÀO ?”
Từ góc nhìn đào tạo, chuyên gia một số trường ĐH lớn cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc xét tuyển bằng những tổ hợp thiếu môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH về kỹ thuật tại TP.HCM nêu ý kiến: “Đào tạo ĐH cần dựa trên nền tảng của đào tạo phổ thông, đặc biệt khối ngành đặc thù như sức khỏe, kỹ thuật công nghệ… Người học các ngành này nhưng không có kiến thức nền tảng từ các môn học cốt lõi sẽ không ổn”.
Dẫn ra ví dụ thực tế, vị trưởng phòng này phân tích: “Có thể lấy ví dụ các ngành kỹ thuật, việc tuyển người học không có nền tảng kiến thức tốt của 2 môn toán và lý, sinh viên không theo học được chương trình bậc ĐH. Dù trong chương trình đào tạo 4 năm, phần kiến thức cơ sở ngành có dạy liên quan đến các môn học này nhưng không phải là kiến thức cơ bản như bậc phổ thông. Nếu không có kiến thức nền, thì ngay cả các môn cơ sở ngành cũng không thể học được”.
“Đó là chưa kể năm nay, HS Chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp THPT và bước vào ĐH. Lứa HS này không học hết tất cả các môn của bậc THPT, có những môn các em không học suốt 3 năm qua. Nếu xét tuyển vào một ngành đòi hỏi kiến thức nền của môn các em không được học ở bậc phổ thông, ví dụ ngành dược không học hóa hoặc sinh, thì vào ĐH các em sẽ học như thế nào?”, chuyên gia này đặt vấn đề.
Từ những phân tích trên, chuyên gia này lo ngại: “Để tuyển đủ chỉ tiêu, một số trường ĐH đang sử dụng quy định được phép của quy chế tuyển sinh để mở rộng tối đa tổ hợp xét tuyển mà không quan tâm tới vấn đề định hướng nghề nghiệp. Cách thức này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà có thể gây nên hệ lụy xấu cho bản thân người học – trúng tuyển nhưng không thể theo học, phải bỏ dở việc học giữa chừng”.
Lãnh đạo một trường ĐH liên quan khối ngành xã hội cũng khẳng định: “Về nguyên tắc, chương trình đào tạo bậc ĐH là sự tiếp nối từ giáo dục phổ thông. Do đó, nếu tuyển người học không có kiến thức nền tảng bậc phổ thông một lĩnh vực kiến thức cần thiết với ngành đào tạo, thì không thể đảm bảo được chuẩn đầu ra chương trình. Giả dụ, tuyển sư phạm vật lý nhưng không xét môn vật lý – tức không tuyển lựa từ người đã học môn vật lý trong chương trình THPT, thì việc học sẽ như thế nào?”.
“Nếu tuyển sinh theo cách này, trường buộc phải xây dựng lại chương trình đào tạo bậc ĐH. Trong đó, chương trình cần có thời lượng đào tạo kiến thức nền lĩnh vực trọng yếu cho người học để đảm bảo đạt được chuẩn đầu ra. Nhưng nếu trường vẫn sử dụng chương trình đào tạo hiện tại cho đối tượng tuyển sinh bằng những tổ hợp lạ thì không phù hợp”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Vị này cũng cho rằng cách thức xây dựng tổ hợp xét tuyển như hiện nay của nhiều trường rõ ràng không sai quy chế. “Nhưng bản chất vấn đề nhằm phục vụ mục tiêu tuyển đủ người học, không hướng đến mục tiêu tuyển người học phù hợp với ngành đào tạo. Điều này, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và chất lượng của chính nhà trường”, vị này đánh giá.
Trường ĐH xét tuyển tổ hợp môn “lạ” nói gì ?
Chia sẻ với PV Thanh Niên, tiến sĩ Trần Viết Thiện, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa, cho biết Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh và trường đang trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh. Trong đó, tổ hợp môn là một nội dung quan trọng, từ đề xuất của các khoa chuyên môn, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ xem xét, quyết định trong đề án tuyển sinh chính thức.
Nguồn: thanhnien.vn