VTV.vn – Lễ cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của người Jrai ở Gia Lai.
Lễ hội cầu mưa được bảo tồn, phát huy một cách nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của dân tộc ở Tây Nguyên.
Từ sáng sớm, bầu không khí rộn ràng, náo nức đã tràn ngập khắp vùng, khi nhiều người dân tập trung dưới chân núi Chư Tao Yang linh thiêng, nơi sắp vọng lên những lời khấn cầu mưa. Dân làng từ già trẻ, gái trai đều khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống rực rỡ. Hội đồng già làng, gồm các bậc trưởng lão, tiến hành trang trí cây Nêu và chuẩn bị các lễ vật để dâng lên thần linh.
Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là nghi thức tín ngưỡng quan trọng, được người Jrai trân trọng, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Diễn ra vào tháng 4-5 hàng năm, nghi lễ mang ước vọng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống ấm no.

Tại vùng đất phía đông nam tỉnh Gia Lai, nơi vốn nổi tiếng là vựa lúa trù phú, gắn liền với huyền thoại Vua Lửa, Vua Nước, lễ cầu mưa càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng.
PGS. TS Nguyễn Khắc Sử (Nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cổ học) cho biết đối với nông dân trồng lúa Tây Nguyên thì hai yếu tố quan trọng là nước và công cụ lao động. Pơtao Apui đóng 1 vai trò rất quan trọng trong chuyển tải mơ ước, cầu khẩn của con người, đặc biệt là của dân tộc người Jrai với trời vì văn hóa ở đây là văn hóa gắn với thiên nhiên.
Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui không chỉ là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn bản sắc truyền thống mà còn trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.
Đây vừa là niềm tự hào của cộng đồng, vừa mở ra tiềm năng lớn để quảng bá du lịch văn hóa, thu hút du khách đến khám phá vẻ đẹp đậm đà bản sắc của vùng đất này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!