Tại Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang), 6 cây cổ thụ khoảng 250 đến 800 năm tuổi vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Lễ đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam ẢNH: HOÀNG TRUNG
Theo đó, 6 cây cổ thụ ở Vườn quốc gia Phú Quốc được công nhận là cây di sản Việt Nam gồm:
2 cây trai Nam bộ ở xã Bãi Thơm (tên khoa học là Fagraea fragrans Roxb), thuộc họ lậu bình; trong đó, 1 cây có chu vi gốc 13,5m, cao 25m, tuổi đời khoảng 700 năm, cây còn lại có chu vi gốc khoảng 12,6m, cao 26m, tuổi đời khoảng 600 năm.
2 cây kơ nia ở xã Gành Dầu (tên thường gọi là cây cầy, tên khoa học là Irvingia malayana Oliv); trong đó, 1 cây có chu vi gốc 15m, cao 35m, tuổi đời khoảng 800 năm tuổi, cây còn lại có chu vi gốc 13,6m, cao 30m, tuổi đời khoảng 700 năm.

Một trong 6 cây cổ thụ ở Vườn quốc gia Phú Quốc được công nhận là cây di sản Việt Nam ẢNH: HOÀNG TRUNG
2 cây kiền kiền Phú Quốc ở xã Gành Dầu (tên khoa học là Hopea Pierrei hance), thuộc họ dầu; trong đó, 1 cây có chu vi gốc 4,5m, cao 24m, tuổi đời khoảng 250 năm; 1 cây còn lại có chu vi gốc 4,5m, cao 24m, tuổi đời khoảng 250 năm.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, cho biết Vườn quốc gia Phú Quốc là nơi bảo tồn, tôn tạo các giá trị độc đáo của cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, sinh cảnh đặc thù; bảo tồn nguồn gene của các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Hệ sinh thái và tài nguyên rừng của vườn gắn liền với đời sống của người dân trên đảo và sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của Phú Quốc.
“Các cây cổ thụ hôm nay được công nhận là cây di sản Việt Nam nhằm lan tỏa những giá trị độc đáo của thiên nhiên, giúp cho công tác bảo tồn và nhận thức của nhân dân tốt hơn về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, vai trò của cây xanh đối với cuộc sống. Ngoài ra, đây còn là bảo tồn nguồn gene cây gỗ lớn, tạo sinh thái môi trường, gắn với giá trị văn hóa lịch sử và phát triển du lịch địa phương”, ông Tiệp nói.
Nguồn: thanhnien.vn