Wednesday, April 2, 2025

Ẩn họa từ 79 lối mở qua đường sắt ở Hà Tĩnh

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện còn 79 lối đi tự mở qua đường sắt tiềm ẩn rất nhiều mối nguy về tai nạn, song đến nay ngành chức năng vẫn chưa thể xóa bỏ.

Liều mạng băng qua lối đi tự mở

Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận H.Hương Khê (Hà Tĩnh) có tổng chiều dài khoảng 45 km, đi qua địa phận 6 xã của địa phương này. Hiện nay, theo báo cáo của UBND H.Hương Khê, trên địa bàn đang còn hơn 50 lối đi tự mở qua đường sắt chưa thể xóa bỏ. Hàng ngày, người dân vẫn liều mình băng qua lối đi này khiến nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập.

Ẩn họa từ 79 lối mở qua đường sắt ở Hà Tĩnh

Người dân ở xã Hương Thủy liều mình băng qua đường sắt tại lối đi tự mở

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Hương Thủy (H.Hương Khê), dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, nhưng đến nay mới chỉ xóa bỏ được 5/7 lối đi tự mở qua đường sắt. Đáng nói, các lối đi này là đường dân sinh giao cắt với đường sắt không có rào chắn và đèn cảnh báo tự động, được hình thành từ rất lâu.

Bà Bạch Thị Minh (51 tuổi, ngụ tại thôn 4, xã Hương Thủy) cho biết, để đến được cánh đồng sản xuất nông nghiệp rộng hơn 3 ha nằm bên kia đường sắt, hàng ngày bà cũng như người dân ở thôn này phải băng qua lối đi tự mở không có rào chắn.

“Biết là rất nguy hiểm nhưng vì không có cầu chui nên người dân vẫn bất chấp. Nếu đi đường vòng thì mất khoảng vài chục cây số nên chẳng ai muốn. Mặc dù chưa có tai nạn gây thiệt hại về người, nhưng tại lối đi này có nhiều trâu bò bị tàu hỏa tông chết. Cách đây mấy năm, một người dân trong thôn điều khiển chiếc máy cày qua đường sắt thì bị mắc kẹt giữa đường ray, may mà có một số người nhanh trí, chạy cách đó rất xa để cảnh báo nên tàu hỏa dừng kịp thời”, bà Minh rùng mình nhớ lại.

Theo bà Minh, để đảm bảo an toàn, người dân mỗi lần đi làm đồng đều phải cẩn thận nhìn từ hai phía, nếu không có tàu hỏa thì mới dám băng qua đường sắt. Bà Minh và người dân trong thôn đều rất mong chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí để xây dựng cầu chui băng qua đường sắt.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, cho hay để xóa bỏ được 5 lối đi tự mở qua đường sắt, chính quyền địa phương đã huy động kinh phí bằng cách xã hội hóa. Hai lối đi tự mở còn lại đều là con đường độc đạo phục vụ người dân đi lại, sản xuất nông nghiệp, muốn xóa bỏ được thì phải làm cầu chui.

“Nếu làm cầu chui thì cần có kinh phí lớn nên nằm ngoài khả năng của địa phương. Chúng tôi hy vọng các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với phía đường sắt hỗ trợ về nguồn vốn hoặc phương án khả thi để giúp địa phương xóa bỏ dứt điểm các lối đi tự mở còn lại”, ông Bình chia sẻ.

Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị H.Hương Khê, muốn xóa bỏ các lối đi tự mở ngang qua đường sắt thì huyện này cần có kinh phí gần 60 tỉ đồng để xây dựng hệ thống đường gom, hầm chui, cần đóng mở tự động. Việc này gần như là “quá sức” với địa phương.

Tai nạn đường sắt gây thiệt hại nặng nề

Tại xã Đức Liên (H.Vũ Quang, Hà Tĩnh), tuyến đường sắt đi qua địa bàn dài chỉ khoảng 6 km nhưng có đến 9 lối đi tự mở không có rào chắn. Đáng báo động là tại các vị trí này đã xảy một số vụ tai nạn, gây thiệt hại lớn cho người dân và ngành đường sắt.

Ẩn họa từ 79 lối mở qua đường sắt ở Hà Tĩnh

Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu hàng và xe tải vào ngày 1.3

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Sáng 1.3, tàu hàng HH62 lưu thông trên tuyến đường sắt theo hướng Nam – Bắc, khi đi qua địa phận thôn Liên Hòa (xã Đức Liên) thì xảy ra va chạm với chiếc xe tải đang gặp sự cố mắc kẹt khi băng qua lối đi tự mở. Vụ tai nạn khiến tàu hàng bị trật bánh khỏi đường ray và lật nghiêng. Riêng xe tải bị biến dạng hoàn toàn, tài xế chiếc xe này may mắn thoát được ra ngoài trước khi bị đoàn tàu đâm trúng.

Vụ tai nạn đường sắt này không gây thiệt hại về người, nhưng khiến ngành đường sắt chịu thiệt hại nặng khi vừa phải khắc phục sự cố, vừa phải chuyển tải hành khách và nhiều chuyến tàu bị chậm giờ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Liên, thừa nhận tại các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt đi qua địa bàn do chưa có rào chắn nên lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Đặc biệt, nhiều vị trí trở thành “điểm nóng” vì mỗi ngày có rất nhiều phương tiện lưu thông qua lại.

“Riêng vị trí xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hàng và xe tải là con đường dân sinh giao cắt với đường sắt đã có từ lâu đời. Đây cũng là lối đi độc đạo nối từ trung tâm xã vào khu dân cư nằm ở bìa rừng có 11 hộ dân sinh sống. Những hộ dân này lâu nay cũng đang mong chờ có cây cầu chui hoặc rào chắn tự động để đảm bảo an toàn”, ông Hùng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2020, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành kế hoạch yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra, đôn đốc các địa phương có đường sắt đi qua, đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn đường ngang dân sinh tự phát. Thế nhưng, sau 5 năm, từ 101 lối đi tự mở giao cắt với đường sắt, tới nay tỉnh này mới chỉ xóa bỏ được 22 vị trí.

Ông Nguyễn Trần Toản, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Xây dựng Hà Tĩnh), cho hay việc chưa thể xóa hết lối đi tự mở ngang qua đường sắt chủ yếu do gặp khó khăn về nguồn kinh phí vì phải đầu tư xây dựng hệ thống đường gom, cống chui, chắn tự động…, nên rất cần có sự hỗ trợ từ T.Ư.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img