Wednesday, April 2, 2025

Cảnh giác với những biến tấu lừa đảo trực tuyến

Bạn đọc nhắc nhở nhau cần hết sức tỉnh táo, thường xuyên cập nhật thông tin từ báo chí, cảnh báo từ cơ quan chức năng, để không bị lừa đảo trực tuyến, vì hiện có rất nhiều chiêu trò…

Như Thanh Niên đã phản ánh, ông N.H.Q (62 tuổi) kể ông có thú vui chơi pickleball mỗi ngày và có nhu cầu mua vợt. Lướt mạng xã hội, ông thấy một tài khoản tên B.M đăng bán lại cây vợt Joola 3S còn khá mới. “Cây vợt này nếu mua mới phải tốn 4 – 5 triệu đồng, tôi về hưu rồi đâu còn thu nhập nhiều để mua hàng xa xỉ nên chỉ tìm mua vợt đã qua sử dụng. Người rao bán nói là được tặng nhưng không có nhu cầu sử dụng, nên bán lại chỉ vài trăm ngàn đồng. Khi tôi nhắn tin thì người bán chốt với tôi giá 995.000 đồng, nhưng vì có nhiều người muốn mua nên chỉ giữ lại cho ai đặt cọc trước. Tôi tin tưởng nên đặt cọc 50%, đâu ngờ sau đó tài khoản này chặn liên lạc và không giao hàng. Vài ngày sau, tôi lại thấy bài đăng tương tự và mẫu vợt này tiếp tục được rao bán với thủ đoạn cũ, chỉ khác là tài khoản người bán đã thay đổi”.
Cảnh giác với những biến tấu lừa đảo trực tuyến

Vợt Joola 3S chính hãng có giá từ 4 – 5 triệu đồng nhưng nhiều đối tượng rao bán chỉ với giá vài trăm ngàn đồng qua mạng rồi ôm tiền biến mất

Ảnh: Khang Ka

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị lừa đảo qua mạng.

Trong mấy ngày gần đây, người sử dụng điện thoại liên tục nhận được tin nhắn cảnh báo của Bộ Công an về tình trạng sử dụng hình ảnh của cá nhân để chỉnh sửa, cắt ghép tạo nội dung nhạy cảm nhằm đe dọa tống tiền. Cụ thể, Bộ Công an cảnh báo: Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung đe dọa tống tiền, người dân không chuyển tiền khi bị đe dọa. Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất và phản ánh qua ứng dụng VNeID.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ – Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, chia sẻ: “Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay thì hình ảnh là những dữ liệu rất giá trị. AI có thể cho biết một người là ai, sở thích thế nào, thường đi những đâu, thậm chí là quen với những ai chỉ thông qua các bức ảnh. Do vậy, việc thu thập ảnh và bán lại cho các công ty khai thác, sử dụng dữ liệu là khá phổ biến. Hậu quả trước mắt có thể người dùng sẽ nhận nhiều quảng cáo, bị làm phiền. Lâu dài có thể ảnh bị lợi dụng để phục vụ các mục đích khác như lừa đảo, tống tiền”.

“1.000 đồng, chúng cũng gạt”

Nói về những chiêu trò, biến tấu lừa đảo trực tuyến hiện nay, bạn đọc (BĐ) Trịnh Cường cho biết: “Bài Lừa đảo trực tuyến lại biến tấu trên Thanh Niên được nhiều BĐ quan tâm. Thật ra những chuyện này không quá mới nhưng bọn lừa đảo luôn có các “chiêu thức” để thu hút nhiều người như giá rất rẻ hoặc đánh trúng vào lòng ham muốn của người khác. Mình rất chú ý các khuyến cáo của cơ quan công an và các chuyên gia. Điều mọi người mong mỏi là cần kịp thời chặn đứng và nhanh chóng nghiêm trị những kẻ lừa đảo”.

Cùng quan điểm, BĐ Tranduccong6101953 nhận xét: “Những người này tinh ma lắm. Chúng luôn vắt óc suy nghĩ các mánh khóe nhằm lường gạt những người nhẹ dạ cả tin. Tôi từng bị chúng “khủng bố” đã sụp bẫy nhưng vì không có tài khoản trong ngân hàng nên bẫy có sập lại không có con mồi…!”.

Nói về kinh nghiệm tránh bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng, BĐ Tuấn Đào lưu ý: “Hãy giữ nguyên tắc vàng “tiền trao cháo múc” thì sẽ đỡ rủi ro. Thận trọng, hàng càng ít tiền thì càng phải thận trọng. Nhiều người rất chủ quan ở những thứ ít tiền”. BĐ Vinh Quang đồng tình: “Trên mạng, chuyện lừa đảo, bắt đặt cọc tiền vận chuyển… là rất nhiều. Hàng thì bán giá rẻ hoặc tặng quà gì đó, rồi chúng bảo nộp trước tiền vận chuyển 90.000 đồng, xong là mất hút luôn”. BĐ Cao Pham Van thì khẳng định: “1.000 đồng, chúng cũng gạt! Đây là cách bọn chúng thử nghiệm! Hãy đề phòng!”.

Dùng AI để chống lừa đảo

Nhiều BĐ tỏ ra lo lắng khi biết kẻ xấu bây giờ rất tinh vi, dùng công nghệ cao, bao gồm cả AI để lừa đảo. Làm sao để tránh bị lừa đảo? BĐ Chieu Mai phản ánh: “Hàng loạt quảng cáo lừa đảo, mạo danh trên nền tảng FB mình report hình như chỉ để góp phần nho nhỏ cho sạch sẽ thôi, nhiều lúc đáp lại là sự từ chối report của mình, với lý do không vi phạm quy tắc của họ…”.

BĐ Người Sài Gòn thì bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, cần giải quyết từ gốc là những số điện thoại dù là cố định hay di động đều phải bắt buộc đăng ký tên chính chủ. Mạng xã hội cũng vậy, bắt buộc phải đăng ký chính chủ, xác thực bằng căn cước thì mới cho sử dụng. Có như vậy mới hạn chế được những vụ lừa đảo trực tuyến”.

Cùng ý kiến, BĐ Cuong Nguyen nói thêm: “Tôi luôn cập nhật thông tin trên báo chí, các cảnh báo từ cơ quan chức năng. Để tránh bị lừa đảo, bạn đừng để bị “lôi” vào các đợt flash sale, mà mất tỉnh táo. Nên nhớ rằng các đợt flash sale có thường xuyên, không mua lần này thì lần sau có khi còn sale… lớn hơn. Còn bị lừa một lần cũng thấy đau mãi. Nhân đây tôi cũng xin góp ý: Tại sao bọn lừa đảo dùng AI để lừa được nhiều người, mà chúng ta không dùng AI để chống lừa đảo, để bảo vệ được nhiều người?”.

* Bọn lừa đảo bán đồ cũ giá rẻ có ghi số điện thoại để trao đổi, nhưng chắc chắn lại là số SIM rác. Tại sao vẫn tồn tại SIM rác để bọn lừa đảo sử dụng?
 
Trung Quang
 
* Giờ bọn lừa đảo chuyển qua hình thức thẻ cào rồi. Mọi người nên cảnh giác, đừng vì tham mà mất tiền.
 
Trung Nam Bui

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img