Cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương (TP.Huế) vừa thông xe kỹ thuật ngày 26.3 đã gây tranh cãi về thiết kế nghi ‘giống’ cầu nước ngoài. Chuyên gia Việt Nam lên tiếng về nghi vấn này và kỹ sư trưởng Antti Karjalainen cũng chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của cây cầu.
Trước những ý kiến trái chiều cho rằng cầu Nguyễn Hoàng có hình dáng giống với một số cây cầu nước ngoài, tiến sĩ (TS) Đặng Thanh Phú, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TP.Huế, cho biết trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, thiết kế không đơn thuần là sáng tạo hình thức mà là sự tổng hợp giữa các yếu tố kỹ thuật, kết cấu, thẩm mỹ và điều kiện địa phương.
Việc nhiều cây cầu trên thế giới hoặc trong cùng một quốc gia có hình dáng tương đồng không thể được xem là hành vi “sao chép” hay “đánh cắp ý tưởng”.

Cầu Nguyễn Hoàng với hệ thống đèn nghệ thuật về đêm lung linh
ẢNH: LÊ HOÀNG
Theo TS Đặng Thanh Phú, kỹ thuật xây dựng cầu trên thế giới hiện nay phổ biến các loại hình kết cấu như: cầu dầm, cầu vòm, cầu dây văng, cầu treo… Đây là những hình thức kết cấu cầu đã được chứng minh hiệu quả qua thời gian và trở thành giải pháp tiêu chuẩn. Những kết cấu này không phải do ai “phát minh độc quyền”, mà là thành quả của hàng trăm năm nghiên cứu, ứng dụng và tối ưu hóa trong ngành kỹ thuật xây dựng.
Vì vậy, khi lựa chọn loại hình cầu (như cầu vòm Nguyễn Hoàng) phải tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật tiêu chuẩn và sự sáng tạo được ghi nhận ở chi tiết thích ứng với các điều kiện cụ thể: chiều dài nhịp, tải trọng, điều kiện địa chất và yếu tố kinh tế và đặc thù văn hóa của mỗi địa phương.
Mỗi cây cầu, tuy có thể sử dụng chung một hình thức kết cấu, vẫn có tính độc lập về mặt thiết kế. Các chi tiết như hình dáng trụ tháp, cấu tạo mặt cầu, tổ hợp vật liệu, cách thức liên kết với cảnh quan đô thị… chính là nơi thể hiện tư duy thiết kế và khả năng sáng tạo của kỹ sư, kiến trúc sư. Vì vậy, kết luận một cây cầu là “đạo nhái”, “sao chép” chỉ dựa trên sự tương đồng về hình thức kết cấu là một đánh giá thiếu cơ sở chuyên môn và không phản ánh đúng thực tiễn thiết kế công trình.
Dấu ấn cung đình trên cầu Nguyễn Hoàng
Trong buổi lễ thông xe kỹ thuật cầu Nguyễn Hoàng, PV Thanh Niên cũng đã có dịp gặp ông Antti Karjalainen, kỹ sư trưởng người Phần Lan, nhà thiết kế kiêm giám đốc dự án thiết kế cầu Nguyễn Hoàng. Ông cũng là đồng tác giả của nhiều cây cầu có kiến trúc đẹp ở Việt Nam như cầu Bính, cầu Rào 2 (Hải Phòng), cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2, TP.HCM), cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp)…
Tại đây, ông Antti Karjalainen đã có chia sẻ thêm về ý tưởng sáng tạo cũng như quá trình thiết kế và sự độc đáo của cây cầu mang biểu tượng kết nối giữa quá khứ và tương lai của Huế này.

Kỹ sư trưởng Antti Karjalainen cùng vợ con trong ngày thông xe kỹ thuật cầu Nguyễn Hoàng
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Kỹ sư trưởng người Phần Lan, Antti Karjalainen, nhà thiết kế kiêm giám đốc dự án thiết kế cầu Nguyễn Hoàng (qua sông Hương, TP.Huế)
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Ông Antti Karjalainen chia sẻ về cầu Nguyễn Hoàng: “Lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son của triều đình nhà Nguyễn, sự thanh lịch của loài hồng hạc và sức mạnh biểu tượng của màu vàng hoàng gia, ý tưởng kiến trúc của cây cầu phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên, truyền thống và hiện đại. Kết cấu của cây cầu phản ánh sự trang nghiêm và quyền uy của các vị vua Việt Nam, đặc biệt là mối liên kết chặt chẽ của họ với vẻ đẹp thiên nhiên và tinh thần của sông Hương”.
Cũng theo kỹ sư trưởng người Phần Lan, “màu vàng hoàng gia được sử dụng xuyên suốt trong thiết kế cây cầu tượng trưng cho sự tiếp nối di sản văn hóa. Những đường cong của cây cầu được thiết kế mềm mại, mô phỏng hình dáng cổ thon dài của loài hồng hạc, tạo nên một kết cấu hữu cơ hài hòa với cảnh quan tự nhiên của sông Hương. Những vòm cầu tinh tế gợi lên dáng vẻ duyên dáng của loài chim, vừa đẹp mắt vừa mạnh mẽ. Ban đêm, cây cầu sẽ rực sáng với ánh đèn vàng ấm áp, tái hiện hình ảnh những chú hồng hạc uyển chuyển phản chiếu trên mặt nước, tạo nên một bầu không khí mơ màng, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của loài chim này và sự yên bình của sông Hương”.

Cây cầu lấy cảm hứng từ loài hồng hạc tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và sự yên bình của sông Hương
ẢNH: LÊ HOÀNG

Dàn cột đèn trang trí từ những chiếc lọng vàng cung đình Huế làm mềm mại và tôn vinh vẻ đẹp cung đình Huế
ẢNH: LÊ HOÀNG

Dàn đèn trang trí hình lọng cung đình trên cầu lung linh về đêm
ẢNH: LÊ HOÀNG

Cầu Nguyễn Hoàng kết nối với công viên bờ bắc sông Hương
ẢNH: LÊ HOÀNG
Cũng theo ông Antti Karjalainen, cầu Nguyễn Hoàng được thiết kế để dễ dàng bảo trì, với các biện pháp thay thế dây treo và kiểm tra các khe co giãn và gối cầu đã được dự liệu. Sự kết hợp giữa sự tinh tế về thẩm mỹ, đổi mới kỹ thuật và ý thức bảo vệ môi trường làm cho cầu Nguyễn Hoàng trên sông Hương trở thành minh chứng cho khả năng thiết kế cầu hiện đại.
Cầu Nguyễn Hoàng thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 1.855 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Phương án kiến trúc cầu Nguyễn Hoàng được chọn đầu tư xây dựng do Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R (trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thiết kế và đoạt giải nhất tại cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương (do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, nay là TP.Huế), tổ chức.
Nguồn: thanhnien.vn