Không ít người trẻ hiện nay không thể rời mắt khỏi những câu chuyện drama (xung đột, tranh cãi) tình cảm, thậm chí hơn 1,5 triệu người thức khuya để hóng. Tại sao người trẻ lại thích “hít drama” (theo dõi những câu chuyện kịch tính, gây tranh cãi) đến vậy?
Tối 28.3, ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng) gây chú ý khi livestream lên tiếng về những ồn ào tình cảm thời gian qua. Nam streamer không ngại giải đáp những thắc mắc của các tài khoản mạng về vụ việc liên quan đến mình. Đáng chú ý, rapper Pháo cũng có màn kết nối với ViruSs để nói về chuyện hẹn hò của cả hai. Từ thời điểm Pháo tham gia đối chất với ViruSs, buổi livestream có lượng người xem tăng vọt, trên 1 triệu mắt xem cùng lúc. Thậm chí có khoảnh khắc buổi trò chuyện có hơn 1,5 triệu mắt xem.
Nguyễn Hoàng Anh (26 tuổi), làm việc tại lô D4, đường N1, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè (TP.HCM), kể phải vào công ty lúc 7 giờ sáng, nhưng tối hôm qua, vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại để xem livestream drama chuyện tình cảm của ViruSs. Hơn 12 giờ đêm, Hoàng Anh vẫn chưa thoát khỏi livestream của người nổi tiếng đang đấu tố nhau về chuyện tình cảm.

Màn livestream giữa ViruSs và Pháo thu hút nhiều người trẻ vào tối qua
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
“Lâu rồi mới có một drama tình yêu hấp dẫn thế này”, Hoàng Anh hào hứng chia sẻ. Chàng trai cho biết khi tình tiết bất ngờ về những tin nhắn riêng tư giữa cả hai nhân vật được tiết lộ, cảm thấy vô cùng bất ngờ. Hoàng Anh lập tức chia sẻ khoảnh khắc lên story trên Facebook (bài đăng ngắn sẽ biến mất sau 24 giờ) để chia sẻ cùng bạn bè.
“Từng tình tiết, phản ứng của họ làm mình không thể rời mắt. Đôi khi mình tự hỏi dữ liệu tình cảm này có thật hay chỉ là chiêu trò để thu hút sự chú ý”, Hoàng Anh chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Nhu, sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng kể rằng cô phải “sáng đèn” đến hơn 1 giờ sáng để “hóng drama”. Nhu cũng cho biết không chỉ đọc những dòng trạng thái trên mạng mà còn tham gia vào các cuộc thảo luận với bạn bè. Cả nhóm chia sẻ những bình luận hài hước, mong chờ kết quả câu chuyện, thậm chí còn bắt đầu phán đoán động cơ của từng nhân vật.
“Câu chuyện này hấp dẫn quá, mình không thể bỏ qua mà đi ngủ”, Nhu nói thêm.
Còn Nguyễn Minh Hằng (28 tuổi), làm việc tại 402 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3 (TP.HCM), chia sẻ những câu chuyện drama trên mạng mang lại cảm giác hồi hộp, như những bộ phim kịch tính, mà có thể xem video phát trực tiếp hay bình luận.
“Xem những livestream này cảm giác thích thú và thư giãn. Mình chỉ hóng chuyện và đợi những diễn biến tiếp theo. Mình thường theo dõi câu chuyện và không bình luận mang tính xúc phạm hay đánh giá. Cơ bản đâu ai xác thực những câu chuyện này ai đúng, ai sai”, Hằng nói.
Nguyên nhân và những điểm cần lưu ý về sở thích “hít drama”
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, Phó giám đốc Công ty TNHH truyền thông, tư vấn và đào tạo Ý Tưởng Việt cho biết drama bản chất là những câu chuyện có yếu tố mâu thuẫn, cảm xúc mạnh, vốn luôn kích thích sự tò mò tự nhiên của con người. Ở người trẻ, phản ứng này càng rõ rệt vì não bộ, đặc biệt là vùng kiểm soát lý trí, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Khi theo dõi drama, não tiết ra dopamine, chất tạo khoái cảm, khiến việc “hóng drama” trở nên hấp dẫn như một dạng “giải trí gây nghiện”.

Theo chuyên gia, những câu chuyện có yếu tố mâu thuẫn, cảm xúc mạnh… kích thích sự tò mò tự nhiên của con người
ẢNH MINH HỌA: KIM NGỌC NGHIÊN
“Bên cạnh yếu tố sinh học, còn có tâm lý xã hội, các bạn trẻ thường sợ bị bỏ lỡ, sợ ngày mai không bắt kịp câu chuyện mà bạn bè đang bàn tán. Ngoài ra, thiên kiến tiêu cực cũng khiến não người phản ứng mạnh hơn với tin giật gân so với thông tin tích cực, từ đó vô tình làm drama trở thành tâm điểm chú ý”, thạc sĩ Huy nói.
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết một số nghiên cứu về truyền thông hiện đại đã chỉ ra rằng, tác động bởi các thuật toán trên mạng xã hội, một bộ phận người dùng trẻ tiếp cận thông tin theo cách ngẫu nhiên đám đông. Tức là người dùng không chủ động tìm kiếm tin tức mà thường gặp các thông tin trong quá trình sử dụng mạng xã hội, bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông.
“Điều này dẫn đến việc công chúng tiếp nhận thông tin thụ động, không có cơ chế chọn lọc, giảm kỹ năng nhận diện và xử lý thông tin. Đồng thời bị cuốn vào các thông tin theo trào lưu, dù không liên quan đến bản thân”, thạc sĩ Tiến nói.
Thạc sĩ Tiến cho biết thêm việc tiếp xúc thường xuyên với thông tin drama có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành động, nhận thức của người trẻ, khiến họ dễ bị căng thẳng, mất tập trung và tiêu cực hóa vấn đề. Trong bối cảnh mạng xã hội lan truyền thông tin nhanh chóng, báo chí chính thống đóng vai trò quan trọng trong công việc kiểm tra thông tin, dư luận hướng dẫn và tạo ra không gian truyền thông lành mạnh.
“Để cân bằng giữa giải trí và ý thức truyền thông có trách nhiệm, giới trẻ cần xây dựng thói quen lọc thông tin, phân biệt giữa thông tin giải trí và thông tin có giá trị xã hội. Đồng thời phải tự quy định thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý để phát triển bản thân”, thạc sĩ Tiến khuyên.
Thạc sĩ Huy cho biết cách hình thành của các thể loại drama như câu chuyện xảy ra tối qua đó là đẩy cảm xúc người xem lên đỉnh điểm để thu hút và dẫn dắt họ. Nếu cứ dễ bị cuốn vào những câu chuyện tương tự, chúng ta dễ rơi vào bẫy tin giả, bóp méo và vô tình tiếp tay cho việc lan truyền sai lệch. Về lâu dài, điều này làm giảm khả năng tư duy phản biện, khiến người trẻ tin vào điều gì đó chỉ vì… “cảm thấy đúng”, thay vì có căn cứ rõ ràng.
“Hơn nữa, sống trong không khí drama liên tục khiến chúng ta mất dần sự tin tưởng lẫn nhau, giảm khả năng thấu cảm, và khó phân biệt thật giả trong một thế giới đầy nhiễu loạn thông tin”, thạc sĩ Huy nhấn mạnh.
Theo thạc sĩ Huy, cách giải tỏa căng thẳng phổ biến hiện nay của giới trẻ là xem drama, vì dễ dàng và có sẵn trên mạng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không bền vững và có thể dẫn đến tình trạng nghiện: “Để giải tỏa căng thẳng hiệu quả, giới trẻ nên thử các phương pháp khác như: thể thao, kết nối với người thân hoặc tắt điện thoại 30 phút thư để thư giãn”.
Nguồn: thanhnien.vn