Bất chấp thông tin về các “cơn sốt” đất lan truyền khắp nơi, nhiều người khốn khổ vì chôn vốn nhiều năm vẫn chưa thể ra hàng.
Năm 2019, chị Phương (nhà ở Q.7, TP.HCM) cùng các đồng nghiệp rủ nhau xuống Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) mua đất vì được rỉ tai “sắp có sân bay, giá sẽ tăng, hốt lời lớn”. Chị Phương kể đất nhóm chị mua ở xã Hàm Đức, cách dự án sân bay Phan Thiết chỉ khoảng 3 km, là đất trồng cây lâu năm, phân lô 1.000 m2, có sổ hồng, giá 500 triệu đồng một lô. “Chúng tôi đều là dân công sở, có biết gì đất cát đâu. Nhưng nghe người ta giới thiệu, mọi người ai cũng nói sốt, trúng lớn, số tiền thì cũng phải chăng nên mới mạnh dạn “đánh bắt xa bờ”. Ai ngờ mua xong cái thì dịch Covid-19 ập đến, thị trường xìu từ đó đến nay không ngóc đầu lên được. Vừa rồi nhiều người nói sốt đất vì bảng giá đất, rồi sốt đất vì sáp nhập tỉnh, Phan Thiết cũng “nóng” ầm ầm. Nhưng tôi muốn bán thì người ta chỉ trả 500 – 600 triệu đồng/công, chẳng hiểu sốt ở đâu, chỉ thấy tiền mình lạnh ở đó”, chị Phương than trời.

Nhà đầu tư, khách hàng khốn khổ vì dự án Tân An Huy “trùm mền” nhiều năm
Ảnh: Đình Sơn
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, chị N.N (Q.11, TP.HCM) rầu rĩ kể năm 2020, chị đầu tư 2 nền đất ở tại Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với số tiền hơn 5 tỉ đồng. “Có thời điểm giá rớt thê thảm khiến tôi lo nơm nớp vì có bao nhiêu vốn chôn hết vào đấy. Đến năm 2023, môi giới hỏi có bán không nhưng tôi quyết định không bán vì vẫn lỗ so với giá mua. Bữa giờ nghe nói có nhích lên nhưng cũng không đáng kể. May là tôi đầu tư bằng tiền nhàn rỗi, nếu vay tiền ngân hàng để đầu tư thì giờ đã “ôm đầu máu” rồi. Gần như toàn bộ số tiền dư dả tôi có đã chôn vào đất, chưa biết đến bao giờ mới rút ra được. Dù vậy, đến nay đã “ôm” qua thời kỳ khó khăn nhất nên cũng không vội bán mà cố chờ giá tăng hơn chút nữa”, chị N.N nói.
Cũng “quay cuồng” trong cơn sốt đất những năm 2019, 2020, anh Đình Kiên nhà ở Q.Bình Tân (TP.HCM) cùng nhóm bạn rủ nhau lên săn đất khu vực hồ Tà Đùng (xã Đắk Som, H.Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) phân lô. Ban đầu anh mua các lô đất nhỏ, chuyển thổ cư, phân lô bán nền nên cũng trúng đậm. Thấy ổn, anh quyết định “tất tay”, dốc hết vốn liếng đang có, bán các bất động sản ở TP.HCM, thậm chí huy động từ gia đình, bạn bè và vay ngân hàng với lãi suất lên đến 12 – 13%/năm để mua gom các quỹ đất lớn hơn, phân lô bán nền. Ngoài Đắk Nông, anh còn mở rộng qua TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nơi thị trường sốt nóng nhất khu vực Tây nguyên. “Ai cũng bảo Tây nguyên tiềm năng vì ngoài thời tiết mát mẻ quanh năm thì cảnh quan hai nơi này cũng tuyệt đẹp, được ví như Đà Lạt thứ hai, thậm chí hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long trên cạn”, anh Đình Kiên nhớ lại.
Anh kể giai đoạn 2019 – 2021 tại Tà Đùng, TP.Bảo Lộc, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng), ngày ngày ô tô mang biển số TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội chạy kín các con đường. Các văn phòng công chứng lúc nào cũng chật người. Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ homestay mọc lên như nấm để phục vụ nhà đầu tư. “Khi đó người người đi mua đất, nhà nhà đi bán đất. Những người nông dân trước chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời bỗng một ngày trở thành tỉ phú vì giá đất tăng hàng chục lần. Tôi nhớ thời đó, khi thấy xe biển số ngoài tỉnh chạy trên đường, người dân chạy xe máy bám theo chào mời mua đất vườn, đất ruộng. Tất cả quay cuồng trong cơn sốt đất…”, anh Đình Kiên nhớ lại.
Thế rồi dịch Covid-19 ập đến và tiếp theo là kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng khiến đất bán không được trong khi lãi vay ngân hàng lên đến 12 – 13%/năm, cộng với những khoản cam kết lợi nhuận với bạn bè, người thân đã trở thành gánh nặng quá lớn đối với anh Kiên và rất nhiều các nhà đầu tư “tay ngang, tay dọc”. Hầu hết phải bán nhà, bán xe để trả nợ, cầm cự. “Số tôi đen hơn nữa khi một số BĐS ở TP.Bảo Lộc bị dính vào ranh quy hoạch thăm dò bauxite mà tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh. Dính vào quy hoạch này thì mọi quyền lợi bị hạn chế, người có đất chỉ được trồng cây nông nghiệp, thậm chí những công trình của nhà nước như làm đường, xây trường học, bệnh viện cũng bị treo theo. Bao nhiêu tiền kiếm được trước đây giờ chôn hết trong đất, thậm chí mất gần hết cũng vì đất”, anh Đình Kiên rầu rĩ nói.
Mất tiền vì dự án “ma”
Không chỉ đất tỉnh, ngay tại TP.HCM, nhiều nhà đầu tư BĐS cũng chết đứng khi mua phải đất nền, căn hộ ở những dự án trùm mền hàng thập niên do vướng pháp lý, không thể triển khai. Có người lại mua trúng phải các chủ đầu tư vẽ dự án “ma” để lừa đảo. Kể với chúng tôi câu chuyện đầu tư đất nền của mình, anh Hùng, một người dân tại TP.HCM, cho biết bị “sụp hầm” chôn vốn khi mua đất ở dự án Tân An Huy của Công ty Tân An Huy (H.Nhà Bè).
Anh Hùng kể cách đây 10 năm, khi có nhu cầu xây nhà, anh mua lại từ một nhà đầu tư khác nền đất rộng 220 m2 tại dự án Tân An Huy với giá 18 triệu
đồng/m2. Dù số tiền anh đã đóng đến 95% và được giao nền nhưng dự án đến nay vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng, nợ thuế hàng trăm tỉ đồng và đang bị cơ quan chức năng cho dừng hoạt động. Trong số hơn 300 nền đất, đến nay 14 căn nhà đã được xây dựng nhưng tất cả đều xây không phép, nhiều lần bị chính quyền ra quyết định yêu cầu tháo dỡ. Do dự án vướng pháp lý nên tính đến nay đã gần 2 thập niên vẫn đứng yên. Điều này khiến khách hàng như anh Hùng tiến thoái lưỡng nan, xây nhà không được, bán cũng không xong vì quá rủi ro nên không ai dám mua.
“Trong khi dự án Trần Thái cạnh bên vì được xây nhà nên giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, trong khi ở đây giá chưa bằng một nửa. Đến nay, chủ đầu tư đang rất nỗ lực để hồi sinh dự án. Chúng tôi cũng mong lãnh đạo TP hỗ trợ, tạo điều kiện để dự án sớm hoàn thành, để những người như chúng tôi được xây nhà trên đất của mình chứ tiền chôn vào đất cả thập niên rồi. Dự án nằm ngay giữa TP mà bỏ hoang thời gian dài, lãng phí không biết bao nhiêu mà kể”, anh Hùng kỳ vọng.
Một trường hợp khác còn đau lòng hơn là anh Trần Hoàng Lâm (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Năm 2018, thông qua giới thiệu, anh mua một nền đất phân lô tại H.Bình Chánh với giá hơn 1,2 tỉ đồng cho nền đất 100 m2. Ngay khi ký hợp đồng, anh đã chuyển hơn 600 triệu đồng cho chủ đầu tư. Thế nhưng sau đó anh mới biết đây là dự án “ma” do chủ đầu tư vẽ ra để lừa anh và hàng trăm khách hàng khác. Không chỉ dự án ở H.Bình Chánh, nhiều dự án khác ở TP.Thủ Đức cũng do chủ công ty này lập ra để lừa đảo. Đến nay những người lãnh đạo của Công ty Hàng Kim Land đã bị bắt, công ty cũng đóng cửa, thế nhưng đã hơn 5 năm trôi qua anh Lâm và hàng trăm khách hàng khác vẫn ngày ngày ôm đơn đi khắp nơi cầu cứu, mong được xem xét và hỗ trợ sớm thu hồi số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt.
Có thể nói, các khu biệt thự “ma”, các đô thị vắng bóng người, những dự án bỏ hoang… khắp nơi chính là hệ quả một phần từ các cơn sốt đất ảo.
Ở thời điểm hiện tại, giới cò, đầu nậu đang thổi “cơn sốt ảo” mới từ thông tin sáp nhập các địa phương để lôi kéo người dân tham gia. Nếu không tỉnh táo mà lao theo thì tiền trong túi dễ “lạnh” giống như hàng loạt nhà đầu tư bất đắc dĩ trên thị trường.
Nguồn: thanhnien.vn