Wednesday, April 2, 2025

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Tăng gấp đôi mã đề thi môn tự chọn

Tại hội nghị trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp và thực hiện Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm vào chiều 28.3, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), nêu một số điểm mới đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Về đề thi, ông Hà nhấn mạnh nội dung tập trung chủ yếu ở lớp 12. Đề thi phải bám theo các yêu cầu cần đạt của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không ra những nội dung bên ngoài chương trình. Đề thi được phân bố theo hướng: 40% ở cấp độ biết, 30% hiểu, 30% vận dụng. Như vậy, 70% nghiêng về chuẩn bị cho tốt nghiệp THPT. Phần vận dụng không quen thuộc, không phải những bối cảnh có sẵn trong sách giáo khoa…
Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Tăng gấp đôi mã đề thi môn tự chọn

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ dự thi 2 môn tự chọn

ẢNH: NHẬT THỊNH

Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng nêu một số điểm mới trong công tác tổ chức thi. Theo đó, một trong những vấn đề mà các sở lo lắng là quá trình sắp xếp phòng thi. Kỳ thi chỉ tổ chức 3 buổi thi, đặc biệt buổi thứ 3 có 2 môn thi. Ví dụ, môn vật lý có thể thi trong 2 khung giờ trong buổi thi đó. Việc này được xử lý ra sao? Để tiện lợi cho học sinh (HS), các em được sắp xếp chỉ ở một phòng thi, không phải di chuyển trong các buổi thi. Cho dù một môn thi ở 2 khung giờ khác nhau, để đảm bảo yếu tố an ninh thay vì chỉ có 24 mã đề thì nâng lên thành 48 mã đề, 24 mã đề với mỗi khung giờ. Sẽ tổ chức thu bài theo phòng thi chứ không thu bài theo môn. “Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm, mô phỏng lên tới 5 môn thi khác nhau trong 1 phòng thi ở 2 khung giờ cho thấy vẫn xử lý được”, ông Hà cho hay.

Ông Hà cũng mong muốn các địa phương tổ chức kỳ thi thử và cho biết thời gian qua có địa phương đã thi thử như thi thật với kết quả cơ bản là trơn tru. “Đề nghị các sở tổ chức thi thử phải làm giống nhất so với mô hình thi thật”, ông Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị các sở GD-ĐT tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, nhưng đánh giá thật, chấm đúng kết quả để biết năng lực HS ra sao, quy trình tổ chức thi như thế nào, từ đó rút kinh nghiệm. Công tác thi tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT cần ra đề phù hợp theo những gì đã công bố, theo chuẩn đầu ra chương trình, phù hợp năng lực HS và mục tiêu của kỳ thi theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Thủ tướng Chính phủ là giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vừa sức với HS, với mục tiêu HS không phải học thêm, GV không dạy thêm tràn lan.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img