Wednesday, April 2, 2025

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

Tháng Ramadan, cộng đồng người Hồi giáo (Q.8, TP.HCM) chuẩn bị những suất cháo gà nóng hổi để phát miễn phí cho người dân trong và ngoài đạo.

Tháng Ramadan được xem là tết của người Hồi giáo. Đây là dịp đặc biệt không chỉ để các tín đồ cầu nguyện, thanh lọc tinh thần mà còn là thời điểm họ thể hiện lòng yêu thương, chia sẻ và đoàn kết cộng đồng.

Tại Thánh đường Jamiul Anwar, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hồi giáo, mỗi ngày đều có hàng trăm suất cháo gà nóng hổi được trao đi.

“Chúng tôi tặng cháo cho tất cả mọi người, không phân biệt họ là ai, người trong đạo hay ngoại đạo. Ở đây, chúng tôi không có sự phân biệt giữa các tôn giáo, vì tất cả đều chảy cùng một dòng máu Việt Nam”, ông Ab-dohalim, Phó ban quản trị thánh đường khẳng định.

TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 – 30.4.2025).

Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 – 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.

Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn – TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

Ấm lòng bát cháo nghĩa tình vào tháng Ramadan

Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch âm của người Hồi giáo, được coi là tháng thiêng liêng nhất trong năm. Trong tháng này, người Hồi giáo thực hiện một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của tôn giáo, đó là nhịn ăn (Sawm) từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

Phiên chợ Ramadan mỗi năm chỉ diễn ra một tháng

ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN

Chúng tôi ghé thăm phiên chợ Ramadan của người Hồi giáo tại hẻm 157, đường Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM) vào một chiều tháng 3. Được sự chỉ dẫn của ông Abdolradak (58 tuổi), chủ quán nước nhỏ tại khu chợ Ramadan, chúng tôi tìm đến nơi nấu cháo miễn phí tại Thánh đường Jamiul Anwar. Nhận thấy, nhiều người đang xếp thành một hàng ngay ngắn, chờ nhận những phần cháo gà nóng hổi.

Tại thánh đường, chúng tôi được nghe ông Ab-dohalim, Phó ban quản trị thánh đường kể về truyền thống phát cháo miễn phí của người Hồi giáo. Ông cho biết, hoạt động này đã được duy trì trong nhiều năm, trở thành nét đẹp không thể thiếu mỗi mùa Ramadan.

“Mỗi chiều trong tháng Ramadan, chúng tôi phát cháo miễn phí cho bà con, bất kể là người theo Hồi giáo hay ngoại đạo. Ai cần thì chúng tôi tặng, miễn sao giúp được người khác là chúng tôi thấy vui rồi”, ông chia sẻ.

Hồi tưởng lại những ngày đầu, ông Ab-dohalim xúc động kể: “Vào khoảng năm 1958, gia đình tôi cùng các tín đồ Hồi giáo trong khu vực di cư từ An Giang lên Sài Gòn. Cuộc sống còn rất khó khăn nhưng mỗi khi đến tháng Ramadan, ba mẹ tôi cùng các tín đồ đều đến nhà thờ nấu những nồi cháo trắng để phát cho bà con xung quanh, dù là người trong đạo hay ngoài đạo”.

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

Ông Ab-dohalim cho biết, hoạt động phát cháo miễn phí vào tháng Ramadan nhằm gắn kết cộng đồng

ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN

Khi đó, xóm nhỏ quanh hẻm 157 còn hoang sơ, thưa thớt bóng người. Những bát cháo nóng hổi không chỉ giúp xua đi cái đói mà còn lan tỏa tinh thần sẻ chia theo giáo lý của đạo Hồi.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống Hồi giáo, từ nhỏ ông Ab-dohalim đã được ba mẹ truyền dạy giáo lý và tinh thần bác ái. Lên 4, 5 tuổi, ông bắt đầu nhận thức về tháng Ramadan và tập nhịn ăn cùng gia đình.

Vào tháng Ramadan, ông thường theo ba mẹ mang những suất cháo đến tận tay đến tín đồ lẫn người ngoại đạo. “Thời điểm đó chỉ có cháo trắng thôi, không có thịt gà như bây giờ. Nhưng chính sự chân thành, quan tâm mới là điều quý giá nhất”, ông nói.

Khi trưởng thành và tiếp quản công việc tại thánh đường, ông Ab-dohalim không chỉ giữ gìn truyền thống phát cháo mà còn mở rộng quy mô, huy động sự chung tay của các tín đồ và cộng đồng.

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

Nồi cháo gà được nấu bởi các tín đồ tôn giáo tại thánh đường

ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN

Ông cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi nấu hàng trăm phần cháo gà. Nguyên liệu đều do các tín đồ và người dân quyên góp. Mỗi người một tay, người nấu cháo, người múc vào tô, ai cũng góp sức với tâm niệm mang lại niềm vui cho người khác”.

Dù bận rộn với công việc quản lý thánh đường, ông Ab-dohalim vẫn đích thân giám sát từng công đoạn nấu cháo. Ông tin rằng bát cháo không chỉ là thức ăn mà còn mang thông điệp yêu thương, gắn kết.

“Người Hồi giáo chúng tôi quan niệm rằng giúp đỡ người khác là tích phước lành. Bát cháo tuy đơn giản nhưng chứa đựng cả tấm lòng của cộng đồng”, ông nói.

Với ông Ab-dohalim, mỗi lần phát cháo không chỉ là dịp sẻ chia mà còn là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ về giá trị nhân ái. “Chúng tôi hy vọng tinh thần này sẽ được truyền lại cho các thế hệ mai sau, để sự sẻ chia không bao giờ dừng lại”, ông ôn tồn nói.

Trong những năm qua, nồi cháo nghĩa tình tại thánh đường vẫn được duy trì mỗi tháng Ramadan. Ông Ab-dohalim cho biết, nhờ có sự quan tâm sâu sát và hỗ trợ của các cấp ban ngành mà hoạt động này được duy trì bền vững.

Không chỉ các tín đồ mà cả những người dân địa phương cũng nhiệt tình tham gia, góp công góp của để nồi cháo ngày càng đầy đặn yêu thương.

Lan tỏa tinh thần bác ái

Không chỉ đơn thuần là một hoạt động thiện nguyện, việc phát cháo gà ở thánh đường còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, xóa nhòa những ranh giới giữa những tôn giáo. Nhiều người dân trong khu vực, dù không theo đạo Hồi vẫn tham gia phụ giúp phát cháo hay đóng góp nguyên liệu, chi phí…

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

Bất kỳ ai đến khu chợ Ramadan đều được nhận cháo gà miễn phí

ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN

Ông Mohamad (54 tuổi) chia sẻ, nhà ông ở đối diện thánh đường nên hôm nào ông cũng sang để hỗ trợ nấu cháo. Người đàn ông bày tỏ: “Chúng tôi làm điều này hoàn toàn tự nguyện, không vì bất cứ lợi ích nào. Ở đây, không có sự phân biệt giữa người theo đạo Hồi hay bất kỳ tôn giáo nào khác, ai cũng có thể giúp đỡ và ai cũng có thể nhận được sự giúp đỡ”.

Theo lời ông Mohamad, đầu tháng Ramadan, thánh đường nấu 40 kg gạo nhưng nhiều khi vẫn không đủ để phát. Không chỉ các tín đồ hay người dân trong vực mà cả những người đến tham quan, trải nghiệm chợ Ramadan cũng nhận cháo về ăn thử.

“Không nhất thiết phải khó khăn thì mới được nhận cháo. Đây cũng giống như phước lành nên ai cũng có thể nhận”, ông Mohamad khẳng định. Đến giờ xả chay, chúng tôi cũng được mọi người trong thánh đường mời ăn thử món cháo gà. Bát cháo tuy giản dị nhưng ấm áp tình người và sự sẻ chia.

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng

Nghi lễ “xả chay” của các tín đồ bắt đầu từ 18 giờ 10 phút với những bát cháo gà nóng hổi và các loại bánh trái truyền thống

ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN

Ông Zacop (52 tuổi) vừa khuấy nồi cháo vừa kể: “Chúng tôi nấu cháo đã nhiều năm rồi. Năm nay đặc biệt đón tiếp nhiều người tôn giáo khác vì mạng xã hội phát triển mạnh nên đông đảo người biết đến. Cũng nhờ đó mà người dân trong khu vực buôn bán cũng khấm khá hơn. Chúng tôi rất vui mừng và sẵn sàng đón tiếp tất cả mọi người”.

Anh Trần Việt Anh (21 tuổi, ở TP.Thủ Đức) cho biết, khi đến chợ Ramadan trải nghiệm, anh rất bất ngờ vì sự mến khách và nhiệt tình của người Hồi giáo.

Anh cho biết, anh đến đây theo lời giới thiệu của bạn bè, đồng thời muốn thu thập thông tin cho bài tập cuối khóa. Các thành viên trong ban quản trị thánh đường đã nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho anh. Họ còn mời anh ăn cháo gà và tham gia lễ xả chay.

“Tôi rất trân quý tình cảm này. Điều tôi nhận ra là không có ranh giới hay sự phân biệt nào giữa các tôn giáo, miễn là chúng ta cùng hướng đến điều thiện lành, tử tế,” anh chia sẻ.

Hơn cả một bát cháo nóng hổi, hoạt động thiện nguyện này là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nghĩa tình cộng đồng người Hồi giáo tại TP.HCM nói riêng và toàn thể người dân nói chung.

Giữa nhịp sống hối hả của thành phố, những nghĩa cử giản dị như bát cháo nơi thánh đường đã góp phần làm nên một TP.HCM bao dung, ấm áp và giàu lòng nhân ái.

Theo ông Mohamad, công việc nấu và phát cháo ở thánh đường đều do người đàn ông đảm nhiệm. Đối với người Hồi giáo, phụ nữ giống như những viên ngọc quý, cần được yêu thương, bảo vệ. Vậy nên việc kiếm sống hay bất kỳ công việc nặng nhọc nào trong gia đình, người đàn ông đều cần có trách nhiệm giúp đỡ, đảm nhiệm thay phụ nữ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img