VTV.vn – Dù tiết trời ở Đài Loan (Trung Quốc) đột ngột trở lạnh và có mưa nhẹ sau những hôm nắng nóng, du khách vẫn háo hức đến với phố cổ Thập Phần.
Bước vào những ngày cuối tháng 3, nhiệt độ ở Đài Loan (Trung Quốc) bước vào giai đoạn chuyển giao giữa mùa đông và mùa xuân nên thất thường. Khi chúng tôi đặt chân đến hòn đảo này, ngày đầu tiên nắng nóng chói chang với 34 độ C nhưng chỉ sau một đêm thì nhiệt độ đột ngột hạ xuống 15 độ C kèm theo mưa phùn rất lạnh. Tuy nhiên tính đỏng đảnh của thời tiết cũng không ngăn được bước chân của hàng trăm du khách đổ về phố cổ Thập Phần.

Phố cổ nằm dọc theo tuyến đường sắt xưa cũ.
Phố cổ Thập Phần nằm ở quận Bình Tây, thành phố Tân Bắc là khu định cư phát triển sớm nhất và lớn nhất. Tuyến đường sắt nhỏ mang tên Bình Khê được xây dựng để khai thác than, uốn lượn dọc theo thung lũng sông Cơ Long. Sau những năm tháng khai thác ngắn, con đường này đã kết nối nhiều con phố cổ đầy hương vị như Thập Phần, Bình Khê… Tại đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn ngon, ngắm cảnh đẹp và tìm hiểu về lịch sử khai thác mỏ của khu vực.

Những dấu tích thời gian lưu giữ trên tuyến đường sắt, những con phố nhỏ và chiếc cầu treo.

Hàng quán dọc bên đường có rất nhiều món ăn đặc sản địa phương ngon miệng.
Ga xe lửa Thập Phần được hoàn thành vào năm 1918 và là ga xe lửa lớn nhất trên tuyến đường sắt Bình Khê. Vào thời kỳ hoàng kim, nơi đây có hoạt động khai thác than lớn nhất và dân số đông nhất ở Quận Bình Tây của thành phố Tân Đài. Sau khi ngành công nghiệp than suy thoái vào những năm 1970, du lịch đã trở thành ngành công nghiệp chính trong khu vực.

Du khách háo hức thả đèn trời dọc theo tuyến đường sắt khi không có chuyến tàu.
Phong tục thả đèn trời ở Đài Loan bắt đầu từ Thập Phần, khi vào thời nhà Thanh, dân làng địa phương chạy trốn vào núi trong các cuộc đột kích của bọn cướp. Sau khi bọn cướp rời đi, những người dân còn lại sẽ thả đèn trời lên không trung để báo cho dân làng đang chạy trốn biết rằng họ có thể an toàn xuống núi.

Các hàng quán nhộn nhịp du khách từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với các ngôn ngữ khác nhau.
Người dân Thập Phần thả đèn trời như một biểu tượng của hòa bình và tổ chức lễ hội hàng năm vào Lễ hội đèn lồng. Việc thả đèn trời như một điểm thu hút khách du lịch bắt đầu vào những năm 1990. Ngày nay, những người đến tham quan có thể thắp đèn trời mỗi ngày tại Thập Phần.

Những chiếc đèn làm bằng giấy, buộc khung từ thanh tre. Du khách sẽ viết lời nguyện cầu của mình trên đèn.
Bạn có thể chọn nhiều màu sắc khác nhau của đèn lồng và viết điều ước của mình bằng bút lông. Trong quá trình thả đèn trời, cửa hàng cũng sẽ hướng dẫn bạn cách tạo dáng và chụp ảnh. Trải nghiệm thả đèn trời, ngắm nhìn những điều may mắn trên bầu trời và cảm nhận phong cách của một thị trấn nhỏ.

Hàng xấp đèn nhiều màu sắc luôn sẵn sàng để phục vụ du khách.
Mỗi chiếc đèn có một màu sắc khác nhau là biểu hiện ban đầu cho ước nguyện của người chọn. Màu đỏ cầu sức khỏe, bình yên, màu xanh dương cầu công danh, màu vàng cầu tài lộc, màu cam cầu hôn nhân, tình yêu, màu hồng cầu hạnh phúc, màu xanh lá cầu thành công và mau mắn, màu tím cầu học hành…

Đèn bay lên trời cao mang theo ước nguyện cho mọi người.
Du khách có thể chọn những chiếc lồng đèn 1 màu hoặc nhiều màu sắc tùy theo sở thích. Giá một chiếc đèn dao động khoảng 150 Đài tệ (115.000 đồng) đến 250 Đài tệ (193.000 đồng).

Một nhóm du khách đốt pháo bên cầu treo Tĩnh An. Tiếng pháo nổ kèm theo những tiếng cười vui vẻ giúp mọi người xua tan muộn phiền.
Ngoài ra còn có các hoạt động khác như đốt pháo sáng, tham quan thác nước, thưởng thức ẩm thực, mua sắm đồ lưu niệm… khi đến với Thập Phần.

Món kem cuộn lạ miệng du khách có thể trải nghiệm khi đến Thập Phần: kem dừa cuộn cùng với ngò thơm và đậu phộng ngào đường bên trong một lớp bánh bột.
Tại đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn ngon, ngắm cảnh đẹp và tìm hiểu về lịch sử khai thác mỏ của khu vực.

Ngôi làng nhỏ có tuổi đời hàng trăm năm là một trong những địa điểm tham quan yêu thích của du khách từ khắp nơi trên thế giới khi đến với Đài Loan (Trung Quốc).
Thời điểm tốt nhất để tham quan làng cổ Thập Phần là từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 10 đến tháng 11 khi nhiệt độ dễ chịu và không nhiều mưa.

Khung cảnh làng quê nép mình yên bình giữa những ngọn núi xanh mướt.
Đèn trời đã trở thành vấn đề môi trường lớn, nhưng vì sức hấp dẫn đối với khách du lịch nên hoạt động này vẫn được khuyến khích. Do có hàng trăm chiếc đèn trời được thả lên mỗi ngày, trong số đó có nhiều chiếc đèn bị vướng vào các cành cây, sông suối xung quanh khu vực nhưng luôn có người dân địa phương và các tình nguyện viên giúp dọn dẹp để giữ cảnh quan sạch sẽ, trong lành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!