Wednesday, April 2, 2025

Vụ ngộ độc rượu sơ ri: 6 người uống hơn 3 lít rượu

Trong số 6 người bị ngộ độc rượu sơ ri, trong 2 bệnh nhân nặng hôn mê thì 1 người đã hồi tỉnh, người còn lại vẫn còn hôn mê.

Liên quan vụ 6 người từ Tiền Giang đi du lịch ở Ninh Thuận bị ngộ độc rượu sơ ri, trưa nay trưa 31.3, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã thông tin thêm về tình hình sức khỏe các bệnh nhân.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, khoảng 20 giờ ngày 29.3, tại Ninh Thuận, có 6 người (từ 25 – 51 tuổi, ở Tiền Giang, đi du lịch ở Ninh Thuận) đã uống hơn 6 chai rượu sơ ri nhãn hiệu K.T., được sản xuất ở Tiền Giang, mỗi chai 500 ml.

Hơn 6 tiếng sau uống, các bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, nôn ói nhưng họ cho rằng do uống nhiều nên… say rượu và đi ngủ.

Vụ ngộ độc rượu sơ ri: 6 người uống hơn 3 lít rượu

Các bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy

ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Ngày 30.3, đoàn lên xe và di chuyển về Tiền Giang. Đến 15 giờ cùng ngày, 6 người trên có biểu hiện nặng như đau bụng nhiều hơn, nôn ói dữ dội. Người trẻ nhất là P.N.Q.K (25 tuổi) có biểu hiện lơ mơ.

Lúc này xe đang đi gần Bệnh viện đa khoa khu vực Cần Giuộc (Long An) nên đã đưa 6 người này vào đây cấp cứu. 2 bệnh nhân B.V.Đ (51 tuổi) và P.N.Q.K rơi vào tình trạng hôn mê, tụt huyết áp nên được đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch. 4 người còn lại lừ đừ. Các bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong đêm 30.3.

Hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ xác định 6 bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nghi ngờ do methanol (cồn công nghiệp). Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tất cả bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng (tình trạng mất cân bằng a xít bazơ trong cơ thể, khi lượng a xít trong máu tăng cao – PV), bệnh nhân trẻ nhất không đo được nồng độ pH trong máu.

2 bệnh nhân hôn mê được chuyển lên đơn vị hồi sức chống độc để thực hiện siêu lọc máu. 4 bệnh nhân còn tỉnh đã được lọc máu cấp cứu nhằm đào thải chất độc nhanh.

Đến sáng 31.3, 4 bệnh nhân được lọc máu nhanh thì sức khỏe hồi phục khá tốt, chất độc trong máu đã được loại trừ.

Bệnh nhân nặng là B.V.Đ có tiến triển tốt, đã tỉnh lại, không còn sử dụng thuốc vận mạch và đang được đánh giá để có thể cai máy thở

“Riêng với P.N.Q.K, mức độ toan hóa máu nặng cũng cải thiện tốt. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn hôn mê sâu. Các phản xạ của sự sống chưa cải thiện tốt. Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân có thể tổn thương não do ngộ độc nên tiếp tục theo dõi và thực hiện các xét nghiệm cao cấp như đo điện não, chụp cộng hưởng từ (MRI) não để đánh giá mức độ thương tổn”, TS-BS Lê Quốc Hùng thông tin.

TS-BS Lê Quốc Hùng cũng cảnh báo về việc thường uống rượu bia và ngộ độc rượu. Hằng năm, Đơn vị hồi sức chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 30 – 50 ca ngộ độc methanol.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img