Ngày 31.3, tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.HCM), Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức sự kiện giao lưu, chia sẻ và ra mắt sách ‘Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường’ dành cho học sinh tiểu học và trung học.

Các tác giả bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường chia sẻ với phụ huynh, học sinh
ẢNH: D.M
Bộ sách do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần và phát triển giáo dục Phương Nam thực hiện gồm 2 cuốn cẩm nang Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường dành cho học sinh tiểu học và trung học.
Sách của các tác giả: Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM và nhà báo Hà Thạch Hãn, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ (đồng chủ biên); thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, chuyên viên tham vấn tâm lý Trường ĐH Bách khoa TP.HCM; chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và nhà báo Hoàng Hương, phóng viên Ban Giáo dục, Báo Tuổi Trẻ. Sách biên soạn từ những tình huống mà các tác giả ghi nhận trong quá trình làm nghề. Từ “chất liệu sống” ấy, các nhà tâm lý sẽ phân tích tình huống để học sinh hiểu rõ vấn đề. Tiếp theo đó, nhà tâm lý sẽ đưa ra những gợi ý để các em học sinh ứng xử, giải quyết tình huống… với mục tiêu không để tình trạng bạo lực học đường diễn ra.
Trong buổi ra mắt sách, các chuyên gia tâm lý, các tác giả của cuốn sách đã có buổi trò chuyện với học sinh, giáo viên và phụ huynh của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo xung quanh các vụ việc, tình huống liên quan, có dấu hiệu bạo lực học đường.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo hào hứng giao lưu với các tác giả sách
ẢNH: D.M
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, tiến sĩ Tô Nhi A khuyên phụ huynh học sinh hãy dành thời gian để tương tác với các con thường xuyên, hàng ngày để các con không bị rơi vào cảnh bị bạo lực học đường. Và nếu rơi vào hoàn cảnh này thì các bậc cha mẹ cũng là nơi tin cậy để các con chia sẻ và có hướng để chấm dứt bạo lực học đường.
“Tôi nhận thấy rằng phụ huynh chúng ta dành cho con rất ít thời gian và dành thời gian chưa đúng. Điều quan trọng là con cần ít thời gian của cha mẹ nhưng cha mẹ phải cho con thời gian đều đặn, hàng ngày, ngày nào cũng phải có (10 phút mỗi ngày) để đồng hành cùng các con về tinh thần, cùng con giải quyết những sự việc xảy ra trong cuộc sống”, tiến sĩ Tô Nhi A khuyên.
Nguồn: thanhnien.vn