Wednesday, April 2, 2025

Trường dân lập đầu tiên của Việt Nam đã ra đời như thế nào?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), tự nhận mình có chút ‘liều’ và cả ‘khùng’ trong hành trình ông cùng đồng nghiệp mở trường dân lập đầu tiên.

“Liều mình như chẳng có”

Tại phiên tọa đàm chủ đề “Ngọn lửa giáo dục – Biến điều không thể thành có thể”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, đã khiến hơn 200 đại biểu tham dự bất ngờ và xúc động về những trải nghiệm và đúc kết trong câu chuyện ông kể về hành trình hơn 50 năm làm giáo dục.

Trường dân lập đầu tiên của Việt Nam đã ra đời như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Khang chia sẻ về hành trình mở trường tư đầu tiên

ẢNH: T.M

Ấy là vào năm 1988, khi quan điểm, chủ trương của Đảng khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Trong một lần ăn trưa với thầy Văn Như Cương và một số đồng nghiệp khác, các thầy vui chuyện hỏi nhau: “Vì sao không xin phép thành lập một trường tư vì điều này sẽ giúp tạo ra sự cạnh tranh và nhiều ưu thế khác biệt trong giáo dục?”. Rồi thầy Cương viết thư, thầy Khang đọc, hai người đồng ký tên gửi Bộ trưởng (khi ấy là Bộ Giáo dục) Phạm Minh Hạc xin lập trường dân lập.

Vượt xa mong đợi, Bộ trưởng Phạm Minh Hạc phản hồi ngay, rằng ông hoan nghênh và đề nghị hai nhà giáo viết đề án. Có hơn 10 năm dạy phổ thông nên có ít nhiều kinh nghiệm, ông Khang nhận viết đề án mở trường.

Chưa đầy một tuần sau, dự thảo ra đời. Bộ GD-ĐT cũng tổ chức ngay cuộc họp để nghe và “chất vấn” về đề án.

Thế nhưng vì việc này chưa có tiền lệ, Bộ GD-ĐT cũng chưa có quy chế về trường dân lập nên địa phương không biết quản lý loại hình trường này thế nào. Nhận được công văn phản hồi do Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội lúc ấy là bà Trần Thị Tâm Đan ký, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nghiêm Chưởng Châu liền chỉ đạo soạn quy chế tạm thời về loại hình trường phổ thông dân lập. Là người nghiên cứu, lập đề án, thầy Khang cũng được mời tư vấn trong quá trình soạn thảo quy chế này.

Tháng 3.1989, Bộ cho ra đời quy chế tạm thời. Ngày 1.6.1989 Trường Lương Thế Vinh, trường dân lập đầu tiên của miền Bắc, ra đời. Đó là “cái gậy” để không những Hà Nội mà cả nước cho thành lập và quản lý các trường phổ thông dân lập.

Đến đầu những năm 1990, cả nước có hàng chục trường loại hình này ra đời.

Là một người từng học lớp chuyên rồi dạy lớp chuyên, thầy Khang luôn ấp ủ ước mơ mở một trường dân lập năng khiếu để tập hợp học sinh giỏi. Không ngừng nghĩ về một trường dân lập mới để thực hiện tâm niệm ấy, một lần nữa ông “nhốt mình” 3 ngày để bắt tay lập đề án thành lập trường. Lần này là ngôi trường của đời ông: Trường phổ thông dân lập năng khiếu Marie Curie.

Ngày 29.8.1992, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định cho phép thành lập Trường phổ thông dân lập cấp 2 – 3 Marie Curie, ngôi trường đầu tiên có bán trú, nội trú, có xe đưa đón học sinh, thu hút học sinh giỏi không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác.

Từ phòng học phải đi thuê rồi chuyển địa điểm vài nơi, giờ đây Marie Curie đã có một hệ thống trường khang trang, hiện đại bậc nhất ở các quận: Nam Từ Liêm, Hà Đông và Long Biên (Hà Nội).

Ông Khang hóm hỉnh nói: “Ngoài “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc nghĩ ra và xin thành lập trường dân lập ở thời điểm đó, chúng tôi còn có thêm một chút “khùng”, chút gì đó “liều mình như chẳng có”.

Phấn đấu để “làm lá lành”

Nhớ lại 2 lần tự tay viết đề án xin mở trường, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang luôn biết ơn những người đã đồng hành, tin tưởng và cả phản biện, làm “khó” khi đặt ra những yêu cầu khắt khe, để ông có được “ngôi trường của đời mình” như ngày hôm nay.

Với tâm niệm “ở đời, không mấy khi trả ơn được người đã giúp mình, chỉ còn cách mình giúp lại người khác”, ông Khang sẵn sàng bỏ ra cả trăm tỉ đồng cho những dự án vì cộng đồng, chạm đến trái tim của mọi người trong suốt thời gian qua. Điển hình là dự án nuôi 22 trẻ sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ; các dự án trồng rừng, xây trường, dạy tiếng Anh, đào tạo giáo viên… cho H.Mèo Vạc (Hà Giang).

Trường dân lập đầu tiên của Việt Nam đã ra đời như thế nào?

Câu chuyện của thầy Khang truyền cảm hứng cho không chỉ những người làm giáo dục mà tới cả học sinh, sinh viên

ẢNH: T.M

Ngoài các dự án cộng đồng, ông Khang còn góp cả tỉ đồng ủng hộ xây cầu cho bà con miền Tây qua đội xây cầu từ thiện; mua xe cứu thương chở bà con đi viện miễn phí; gửi tiền cho thầy hiệu trưởng ở Điện Biên để học trò thêm những bữa cơm có thịt; lo từ chăn ấm, cuốn sách, tập vở cho học trò vùng cao; những chuyến xe chở nặng hàng cứu trợ cho đồng bào mùa lũ…

“Trong suốt cuộc đời làm giáo dục, nếu cần gọi tên một triết lý sống mà tôi tâm đắc nhất thì đó là “làm lá lành”. Có thể xuất phát là “lá rách” nhưng sống cần có mục tiêu, phấn đấu để thoát ra khỏi thân phận thiếu thốn, nghèo hèn của mình; để từ lá rách trở thành “lá lành”. Khi ấy, ta không những lo được cho bản thân mình, những người gần gũi của mình mà lại còn lo được cho những thân phận khác đang là “lá rách” trong xã hội”, nhà giáo lão thành chia sẻ tại hội thảo.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img