Sự bùng nổ của mạng xã hội đã mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp âm nhạc, nhưng đồng thời cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để những nội dung kém chất lượng lan tràn.
Trước đây, để có thể tiếp cận công chúng, một ca khúc phải trải qua quá trình kiểm duyệt và phát hành chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, với sự phát triển của TikTok, YouTube, Facebook, bất kỳ ai cũng có thể sản xuất và lan truyền nội dung một cách dễ dàng. Chỉ cần một giai điệu bắt tai, vài câu từ gây sốc hoặc gợi cảm xúc mạnh đã khiến một bản nhạc hoàn toàn có thể trở thành hiện tượng và nhanh chóng thành “trend”.
Điều đáng lo ngại là sự phổ biến của nhạc “rác” không chỉ ảnh hưởng đến thị trường âm nhạc mà còn tác động trực tiếp đến thị hiếu thẩm mỹ của người nghe. Sự lặp đi lặp lại của nhạc “rác” trên các nền tảng số khiến người nghe vô thức tiếp nhận và coi đó là điều bình thường. Không ít người trẻ sử dụng những câu từ trong các ca khúc này để giao tiếp hằng ngày, tạo thành một lối diễn đạt vô cảm, thô thiển, hoặc xa rời chuẩn mực văn hóa, khuyến khích bạo lực, lối sống buông thả, dẫn đến những quan điểm lệch lạc về cuộc sống.
Việc kiểm soát nhạc “rác” đang rất khó khăn nếu chỉ dựa vào các biện pháp hành chính như gỡ bỏ hay xử phạt, nên chăng cần có cách tiếp cận toàn diện hơn. Trước hết, các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm sàng lọc nội dung chặt chẽ hơn, thay vì để những sản phẩm phản cảm ngang nhiên xuất hiện trong danh sách đề xuất.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn nằm ở việc nâng cao nhận thức và gu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Điều này đòi hỏi sự tham gia của hệ thống giáo dục, gia đình và trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc định hướng một môi trường âm nhạc lành mạnh, nơi giá trị nghệ thuật được đặt lên hàng đầu thay vì chạy theo sự giật gân, câu khách.
Nguồn: thanhnien.vn