Bảng xếp hạng năng lực nhà thầu Việt Nam là cái nhìn tổng quan và minh bạch thể hiện năng lực – kinh nghiệm – khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.
Theo đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam sẽ thực hiện xếp hạng, để có thể có được bảng xếp hạng năng lực, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước hình dung chi tiết về sức khỏe, thực trạng nhà thầu Việt Nam.
Cụ thể, Hiệp hội sẽ thành lập Hội đồng xếp hạng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để nghiên cứu và “chắt lọc” ra những tiêu chí trong bảng xếp hạng năng lực. Dựa trên kinh nghiệm thực tế với các công trình, dự án đã triển khai và dựa trên năng lực tài chính, mô hình nhà thầu, uy tín của nhà thầu thông qua tiến độ và chất lượng thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yếu tố khác,…
Đối với một dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm Quốc gia, vai trò của chủ đầu tư là cần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các khâu thi công, do vậy, việc lựa chọn nhà thầu sẽ được đánh giá toàn diện trên các tiêu chí đã được quy định. Như vậy, khi nhà thầu tham gia đấu thầu phải có đủ kinh nghiệm từ khâu xây dựng hồ sơ dự thầu đến thực thi, không thể mắc lỗi dù lớn hay nhỏ, bởi đó là năng lực.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch HĐQT GP Invest.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng triển khai, ông Hiệp cho rằng, vướng mắc nằm ở việc hiệp hội vẫn chưa thể bao quát tất cả doanh nghiệp nhà thầu trong nước. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nằm trong thành viên của hiệp hội. Tuy nhiên, ông Hiệp tin rằng, khi xây dựng bảng tiêu chí này, dựa vào chức năng nhiệm vụ của hiệp hội, đây sẽ như một chứng chỉ mới của doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà thầu, là “bàn đạp” thu hút sự tham gia của mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực.
Nội dung này, cùng với các kiến nghị cụ thể liên quan để phương án phân chia gói thầu, cơ chế lựa chọn nhà thầu cho phần xây dựng sẽ được hoàn tất sớm để gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, ông Hiệp cho biết, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ xem lại Luật đấu thầu để có cơ chế đảm bảo quyền lợi trong khi thực hiện hợp đồng với các chủ đầu tư tư nhân, xây dựng cơ chế chống tình trạng phá giá.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT GP Invest nhận thấy vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính. Ở lĩnh vực bất động sản, pháp luật liên quan rất phức tạp nhưng tính đồng bộ lại chưa cao. Một dự án thường cần đến 38 – 40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian…
Tuy nhiên, cùng với mục tiêu 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến trong năm nay mới được Chính phủ đặt ra, chắc chắn rằng cơ chế thanh tra kiểm tra các dự án công trình sẽ phần nào được giảm bớt, tránh sự chồng chéo, và giúp cho các hoạt động của doanh nghiệp được thuận lợi.
“Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ đã đề ra mục tiêu nhưng cần có chương trình cụ thể để thực hiện, thực sự cắt giảm, tinh gọn thủ tục hành chính. Việc này sẽ giúp giảm được thời gian cho doanh nghiệp rất nhiều và từ đó giảm chi phí rất lớn. Bởi trong hoạt động kinh doanh, chi phí trực tiếp làm thủ tục là nhỏ nhưng khi dự án bị kéo dài, chờ đợi thì chi phí sẽ tăng rất mạnh, nhất là chi phí tài chính”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn