VTV.vn – Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm ngay phiên đầu tuần sau hai ngày giảm lịch sử vào cuối tuần trước của thị trường.
Mức thuế đối ứng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại, có tác động xấu đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 1.033 điểm, tương đương 2,68%. Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 3,34%. Hợp đồng tương lai Nasdaq-100 mất 4,26% khi các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo các cổ phiếu công nghệ một thời để huy động tiền mặt.

Chứng khoán Mỹ phản ứng khi mức thuế có đi có lại được công bố (Ảnh: AP)
Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán là thỏa thuận giữa hai bên mua – bán một điểm của chỉ số chứng khoán vào một thời điểm xác định trong tương lai ở một mức giá cụ thể được ấn định trước. Các hợp đồng này cho phép các nhà giao dịch kiếm lời bằng cách đầu cơ vào biến động giá trong tương lai các chỉ số chứng khoán..
Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm
Theo CNBC, sự việc này diễn ra sau một giảm mạnh kết thúc vào tuần trước: Dow Jones ghi nhận mức giảm liên tiếp hơn 1.500 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, trong đó bao gồm cả đợt giảm mạnh 2.231 điểm vào thứ Sáu.
Chỉ số S&P 500 giảm 6% vào thứ Sáu. Đây là mức giảm tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3 năm 2020. S&P 500 đã mất 10% chỉ trong hai ngày, qua đó đẩy chỉ số chuẩn này xuống mức thấp hơn 17% so với mức kỷ lục hồi tháng 2.
Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm 22% so với thời điểm mức kỷ lục, sau khi giảm gần 6% trong hai ngày thứ 5 và thứ 6 tuần trước.
CNBC lý giải cho việc giảm mạnh ngay đầu tuần của hợp đồng tương lai Dow Jones là do các nhà đầu tư không nhận được tín hiệu tích cực rằng, đàm phán thuế quan sẽ có hiệu quả, hoặc ít nhất là nước Mỹ đang cân nhắc hoãn thực hiện bộ thuế quan có đi có lại dự kiến có hiệu lực vào ngày 9 tháng 4. Mức thuế quan đơn phương ban đầu là 10% đã có hiệu lực vào thứ Bảy tuần trước.
Cuối tuần vừa qua, dù thị trường có biến động mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không thỏa thuận với các quốc gia khác trừ khi thâm hụt thương mại được giải quyết. Ông phủ nhận việc cố tình gây ra bán tháo và ví các biến động đã xóa sổ hàng nghìn tỷ USD giá trị công ty như việc “đôi khi phải uống thuốc để chữa bệnh”.
“Tôi không muốn bất cứ thứ gì phải giảm xuống, nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành một thứ gì đó”, ông Trump cho biết.

Các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với CBS News rằng việc áp dụng bộ thuế quan sẽ không bị hoãn lại. “Thuế quan chắc chắn sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần”, ông Howard Lutnick nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lưu ý với NBC News rằng hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để bắt đầu đàm phán thương mại kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các biện pháp thuế quan diện rộng mới.
Phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của kênh NBC News, ông Bessent cho rằng Tổng thống Trump “đã tạo ra đòn bẩy tối đa cho chính mình”. Ông cũng hạ thấp mức độ sụt giảm của thị trường chứng khoán và khẳng định “không có lý do gì” để dự đoán một cuộc suy thoái dựa trên các mức thuế quan, viện dẫn số liệu tăng trưởng việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến.
Thông tin về diễn biến thị trường, tờ CNBC cho biết, nỗi lo sợ gia tăng trên Phố Wall, quỹ đầu cơ buộc phải bán cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác để huy động tiền mặt và đáp ứng các cuộc kêu gọi ký quỹ. Chỉ số Biến động CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước, ở mức 45, một mức cực đoan.
Giá bitcoin, thường được giao dịch giống như một cổ phiếu công nghệ lớn khác đã giảm xuống dưới 80.000 USD vào Chủ Nhật.
Thị trường toàn cầu đã mở cửa phiên sáng thứ 2 với mức giảm mạnh. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu mức giảm trong khu vực, khi chỉ số Hang Seng giảm 10,37%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 6,31%.
Tại Nhật Bản, chỉ số chuẩn Nikkei 225 giảm 6,20% xuống mức thấp nhất trong 18 tháng trong khi chỉ số Topix giảm mạnh hơn là 6,50%. Đầu ngày, giao dịch hợp đồng tương lai của Nhật Bản đã bị tạm dừng do thị trường chạm đến ngưỡng ngắt mạch.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng giảm 4,74%, trong khi chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq giảm 4,01%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc đã kéo dài mức giả từ cuối tuần trước và mở cửa phiên thứ 2 đầu tuần với mức giảm lên đến 3,87%. Chỉ số này chuẩn trượt vào vùng điều chỉnh với mức giảm 11% trong phiên trước.
Chỉ số chuẩn Nifty 50 của Ấn Độ giảm 3,85% khi mở cửa trong khi chỉ số BSE Sensex giảm 5,29%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!