Quảng bá FWC 2025 tại thị trường châu Phi & Trung Đông sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy hợp tác phát triển logistics xanh trong bối cảnh “cơn lốc” thuế quan.
Quảng bá FWC 2025 tại thị trường châu Phi & Trung Đông sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thúc đẩy cơ hội hợp tác phát triển logistics xanh. Ảnh: FIATA RAME 2024
Mặc dù Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố tạm hoãn 90 ngày với thuế đối ứng, tuy nhiên những thách thức là vẫn hiện hữu. Doanh nghiệp và giới chuyên gia nhận định, trước thực tế này, không thể “bỏ trứng chung một giỏ”, yêu cầu đa dạng hoá thị trường là trở nên tất yếu và bức thiết. Trong đó, cơ hội mới từ thị trường châu Phi và Trung Đông được đánh giá cao.
Theo đó, khu vực Trung Đông vốn được nhận định có quy mô hơn 2.000 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông – châu Phi ngày càng rộng mở, đặc biệt khi cuối tháng 10/2024, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE đã được ký kết. Đây là sự kiện mang dấu mốc lịch sử tạo đột phá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông – châu Phi.
Thông qua việc cắt giảm thuế quan, mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư, CEPA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Trung Đông. Đây cũng là bước đầu trong chủ trương của Chính phủ trong việc đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ, không những chú trọng phát triển các thị trường truyền thống mà còn ưu tiên phát triển các mối quan hệ mới với các nước.
Từ Hiệp định CEPA, Việt Nam và UAE đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại, cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. CEPA cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Nói cách khác, thông qua UAE – cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực, các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực như Ả-rập Xê-út, Ca-ta và Cô-oét cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á.
Việt Nam cũng cam kết mở cửa thị trường cho UAE với mức độ cao hơn so với WTO và một số FTA khác trong một số lĩnh vực mà nước này quan tâm như dịch vụ khách sạn, nhà hàng; cho thuê tàu có kèm người điều khiển; dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thuỷ; dịch vụ đại lý hàng hải… Đây là những dịch vụ mà UAE có thế mạnh và có khả năng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam.
Đáng lưu ý, chuyên gia nhận định, CEPA còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ UAE – là nước có vốn đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, cũng như cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Ngay khi chưa ký Hiệp định, Bộ trưởng bạn đã hai lần dẫn đầu Đoàn các doanh nghiệp lớn nhất của UAE sang Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng và logistics, chuyển đổi xanh.
“Về phát triển dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, UAE là một trung tâm logistics thuộc loại lớn nhất toàn cầu, CEPA sẽ giúp tăng cường hợp tác về dịch vụ vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, giúp hàng hóa Việt Nam được vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Đặc biệt, Bộ Kinh tế UAE cũng cho biết đang khẩn trương triển khai cam kết với Thủ tướng Phạm Minh Chính để sớm tổ chức trong năm 2025 Diễn đàn đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thu hút đầu tư từ UAE và thế giới vào Việt Nam, dự kiến vào tháng 10/2025.
Nhằm nắm bắt cơ hội phát triển với thị trường đầy tiềm năng này, đồng thời hiện thực mục tiêu đa dạng hoá thị trường, gia tăng cơ hội hợp tác các lĩnh vực trọng điểm giữa Việt Nam và thị trường Trung Đông – châu Phi, trong đó có logistics như nhiều nhà lãnh đạo đã khẳng định, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đẩy mạnh xúc tiến hợp tác thông qua cuộc họp Vùng châu Phi & Trung Đông của Liên đoàn Giao nhận và Vận tải Quốc tế – FIATA RAME 2025.
Đây cũng là một trong những hoạt động tiếp theo của chuỗi xúc tiến quảng bá về Đại hội Thế giới Liên đoàn Giao nhận & Vận tải Quốc tế – FIATA World Congress 2025 tại Việt Nam vào tháng 10 tới do VLA đăng cai tổ chức sau nhiều nỗ lực.
Theo đó, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Vùng châu Á – Thái Bình Dương của FIATA – FIATA RAP, Phó Chủ tịch VLA sẽ tham dự chương trình nghị sự cùng các hoạt động của FIATA RAME 2025 tổ chức từ ngày 30/4 đến ngày 1/5 tại Tanzania. Trước đó, vào tháng 2/2018, VLA cũng đã mời ông Ngatunga, Chủ tịch RAME, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Tanzania – “cửa ngõ” phía Đông châu Phi đến Việt Nam tham gia kỉ niệm 25 năm VLA và mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai nước và khu vực.
Ông Ngatunga, Chủ tịch FIATA RAME, Chủ tịch Hiệp hội Tanzania tham dự Lễ kỉ niệm 25 năm VLA và mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai nước và khu vực vào tháng 2/2018.
Với chủ đề “Hợp tác trong nền kinh tế xanh: Chuyển đổi logistics theo hướng bền vững”, FIATA RAME 2025 dự kiến quy tụ hơn 500 đại biểu mang đến cơ hội trao đổi kiến thức, thúc đẩy hiểu biết sâu sắc về logistics bền vững. Đồng thời khuyến khích sự hợp tác, quan hệ đối tác giữa các bên liên quan gồm khu vực công, cơ quan quản lý, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ và công nghệ…
“Tương lai về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số cũng như các xu hướng mới đang định hình ngành logistics tương lai tận dụng cơ hội do nền kinh tế xanh mang lại. Bên cạnh đó, các cuộc họp cũng sẽ thảo luận về các giải pháp logistics sáng tạo, giảm tác động môi trường và giảm lượng phát thải carbon. Những nội dung này hoàn toàn phù hợp với chủ đề hướng tới tại FIATA World Congress 2025 vào tháng 10 tới đây tại Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Minh nhận định.
Được biết, FIATA World Congress 2025 là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của ngành logistics toàn cầu đã được VLA nỗ lực giành quyền đăng cai và thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến cũng như nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương của Việt Nam. Sự kiện dự kiến thu hút số lượng đại biểu kỷ lục trên 1.200 đại biểu cùng triển lãm hơn 150 gian hàng của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
FIATA World Congress 2025 được nhận định là cơ hội kết nối khổng lồ với các doanh nghiệp đa quốc gia, đa lĩnh vực tạo động lực cho sự hợp tác chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của ngành logistics toàn cầu.
Được biết, trước đó tại cuộc họp Vùng – FIATA RAME 2024 tổ chức tại Dubai, Lãnh đạo VLA cũng đã gặp gỡ đại diện các Hiệp hội quốc gia ngành giao nhận, vận tải, logistics thuộc vùng châu Phi – Trung Đông nhằm thông tin đến Hiệp hội bạn về FWC 2025 mà Việt Nam là chủ nhà, đồng thời giới thiệu cơ hội phát triển kinh doanh ngành logsitics tại Việt Nam.
Trung Đông – châu Phi là thị trường xuất nhập khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực gồm: cà phê, chè, gạo, thủy sản, hạt điều, các loại gia vị…… Bởi vậy, công tác quảng bá FWC 2025 tới các doanh nghiệp, hiệp hội thuộc RAME được VLA đặc biệt quan tâm.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn