Công nghệ hỗ trợ lái hiện đại đang khiến nhiều tài xế khó chịu vì can thiệp quá mức, thiếu linh hoạt và thường xuyên “lên lớp” người dùng.
Xe càng thông minh, tài xế càng mệt mỏi vì phải “chịu đựng” những can thiệp không cần thiết. (Ảnh: Thomas Hundal)
Một trong những công nghệ bị phàn nàn nhiều nhất là hệ thống giám sát tài xế, vốn được thiết kế để phát hiện tình trạng mất tập trung hoặc buồn ngủ. Theo khảo sát, chỉ 34% người lái cho biết họ thích sử dụng tính năng này, trong khi 18% thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ trải nghiệm thực tế: nhiều hệ thống không nhận diện tốt khi tài xế đeo kính râm, hoặc hiểu nhầm các thao tác điều khiển cảm ứng là dấu hiệu mất tập trung. Một ví dụ điển hình là những chiếc xe trang bị công nghệ hiện đại – nơi mọi thao tác, kể cả việc tắt sưởi ghế, đều phải thực hiện trên màn hình cảm ứng. Khi tài xế đang thao tác, hệ thống lại lập tức phát ra cảnh báo, gây cảm giác khó chịu không cần thiết.
Thêm vào đó, gần một nửa số người không thích hệ thống này cũng cho biết họ không thể điều chỉnh được độ nhạy, khiến công nghệ trở nên cứng nhắc và thiếu cá nhân hóa. Với những người lái thường xuyên di chuyển hoặc phải sử dụng kính râm khi trời nắng, sự can thiệp của hệ thống đôi khi không chỉ gây phiền mà còn mất an toàn vì làm mất tập trung.
Một tính năng khác cũng gây tranh cãi là cảnh báo giới hạn tốc độ. Dù được thiết kế để nhắc nhở người lái không vượt quá tốc độ cho phép, nhưng trong thực tế, chỉ 40% người tham gia khảo sát nói rằng họ thích dùng tính năng này. Lý do chính không hẳn vì hệ thống không chính xác, mà vì nó thường xuyên phát ra tiếng bíp hoặc cảnh báo trong lúc người lái đang cố gắng hòa vào dòng xe đang chạy nhanh hơn mức quy định. Trong bối cảnh đó, những cảnh báo liên tục không giúp tăng độ an toàn mà chỉ khiến người lái thêm căng thẳng.
Ngay cả những tính năng được xem là quan trọng như phanh khẩn cấp tự động cũng không tránh khỏi sự phàn nàn. Một số tài xế chia sẻ rằng hệ thống này phản ứng quá nhạy, khiến xe bất ngờ phanh gấp khi đi qua những đoạn đường hẹp, lên xuống dốc, hoặc lùi xe vào sân nhà dù xung quanh không có ai. Những pha can thiệp không cần thiết như vậy không chỉ gây phiền mà còn khiến người lái mất cảm giác kiểm soát, dẫn đến việc nhiều người mất lòng tin vào công nghệ.
Tuy vậy, không phải công nghệ nào cũng bị “ghét bỏ”. Hai tính năng ghi điểm rõ ràng nhất trong khảo sát của AutoPacific là cảm biến hỗ trợ đỗ xe và camera điểm mù. Có đến 88% người dùng hài lòng với cảm biến đỗ xe, trong khi 83% đánh giá cao camera điểm mù. Đây đều là những hệ thống chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết, hỗ trợ người lái trong những tình huống cụ thể mà không gây cảm giác bị kiểm soát.
Bên cạnh những nhận định về từng tính năng, AutoPacific cũng chỉ ra một xu hướng đáng chú ý: nhu cầu về các công nghệ hỗ trợ lái đang chững lại. Điều này đặt ra thách thức lớn cho tương lai của ô tô tự hành, khi mà người dùng vẫn chưa sẵn sàng để giao thêm quyền điều khiển cho máy móc. Họ muốn công nghệ giúp đỡ khi cần, chứ không phải giám sát liên tục hay can thiệp quá mức.
Một điểm thú vị khác từ nghiên cứu là sự chênh lệch lớn giữa mong muốn và thực tế sử dụng của công nghệ nhìn đêm. Có tới 59% người được hỏi cho biết họ muốn xe mình có hệ thống này, nhưng chỉ 11% trong số những người đã có thực sự sử dụng. Lý do có thể nằm ở cách thiết kế chưa hợp lý, chẳng hạn hiển thị hình ảnh nhìn đêm lên cụm đồng hồ điện tử khiến người lái phải rời mắt khỏi đường, từ đó khiến họ ngại dùng.
Công nghệ nhìn đêm được nhiều người mong muốn, nhưng thực tế lại ít ai sử dụng. (Ảnh: Porsche)
Từ tất cả những dữ liệu trên, có thể thấy một thông điệp rõ ràng: người dùng không cần xe thông minh đến mức “lên lớp” họ. Thay vì cảnh báo, nhắc nhở và can thiệp liên tục, điều mà tài xế cần là công nghệ tinh tế, chính xác và tôn trọng sự chủ động của con người. Công nghệ hỗ trợ lái càng phát triển, càng cần được thiết kế sao cho “biết điều” hơn, bởi một chiếc xe tốt không phải là chiếc xe kiểm soát người lái, mà là chiếc xe hỗ trợ họ một cách nhẹ nhàng, thông minh và đúng lúc.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn