Saturday, April 19, 2025

Bắc Ninh: Dấu ấn lịch sử và khát vọng phát triển từ vùng đất phát tích triều Lý

Tối 13/4/2025, tỉnh Bắc Ninh long trọng kỷ niệm 1.015 năm ngày Đức Vua Lý Thái Tổ đăng quang và đón nhận nhiều danh hiệu văn hóa – lịch sử trọng đại.

Theo đó, tại không gian linh thiêng của Di tích quốc gia đặc biệt đình Đình Bảng (xã Đình Bảng, thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.015 năm ngày Đức Vua Lý Thái Tổ đăng quang Hoàng đế (15/3/1010 – 15/3/2025) và đón nhận nhiều danh hiệu văn hóa – lịch sử cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Sự kiện đánh dấu một dấu mốc lớn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết trong công cuộc phát triển quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Buổi lễ có sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đông đảo nhân dân và du khách. Về phía tỉnh Bắc Ninh, có ông Vương Quốc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương.

Bắc Ninh: Dấu ấn lịch sử và khát vọng phát triển từ vùng đất phát tích triều Lý

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Bảo vật quốc gia cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh; trao Bằng di tích quốc gia Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo cho Lãnh đạo thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh; trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” cho Đại diện Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng

Tôn vinh vị minh quân khai mở một triều đại thịnh trị

Lễ kỷ niệm 1.015 năm ngày Đức Vua Lý Thái Tổ đăng quang là dịp để nhân dân cả nước, đặc biệt là vùng đất Bắc Ninh – quê hương của ngài, tri ân công lao to lớn của vị minh quân có tầm nhìn chiến lược, người đã mở ra thời kỳ độc lập, phồn thịnh kéo dài hàng trăm năm của dân tộc Đại Việt.

Sinh năm 974 tại làng Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Lý Công Uẩn – người sau này trở thành Vua Lý Thái Tổ – không chỉ nổi tiếng là người thông minh, đức độ mà còn mang trong mình tư tưởng cải cách và khát vọng dựng xây quốc gia vững mạnh. Năm 1009, ngài được tôn lên làm Hoàng đế, mở đầu cho triều đại nhà Lý (1009 – 1225), và chỉ một năm sau đó, vào năm 1010, đã ban hành Chiếu dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Triều Lý được xem là thời kỳ vàng son, đặt nền móng vững chắc cho một quốc gia Đại Việt độc lập, ổn định và phát triển về mọi mặt: chính trị, văn hóa, giáo dục, quân sự và luật pháp. Những giá trị cốt lõi đó vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến ngày nay, đặc biệt với vùng đất Bắc Ninh – nơi được xem là “phát tích” của triều đại Lý huy hoàng.

Bắc Ninh: Dấu ấn lịch sử và khát vọng phát triển từ vùng đất phát tích triều Lý

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Lễ kỷ niệm là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tri ân Đức Vua Lý Thái Tổ – người khai sáng triều đại nhà Lý, và là cơ hội để khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên trong thời đại mới

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Các di sản văn hóa đa dạng và phong phú chính là một trong những động lực và nguồn lực quan trọng cho Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến về các di sản quý giá, đậm bản sắc văn hóa truyền thống để mọi người dân hiểu về giá trị lịch sử của dân tộc và chung tay giữ gìn, bảo vệ”.

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu Bắc Ninh cần quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp “Đưa di sản văn hóa đến gần hơn nữa với người dân”, để người dân được tiếp cận, tham gia rộng rãi và thụ hưởng đầy đủ, xứng đáng từ giá trị di sản văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa luôn sống động và trường tồn.

Ông cũng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, thực hiện chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần đưa hình ảnh của Bắc Ninh đến với đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài.

Vinh danh các di sản văn hóa – lịch sử quý giá

Trong khuôn khổ sự kiện, tỉnh Bắc Ninh vinh dự đón nhận: Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đình Đình Bảng; Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Nhà lưu niệm nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo; Bằng công nhận Bảo vật quốc gia cho ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”

Trong đó, Đình Đình Bảng từ lâu đã nổi tiếng là một trong những ngôi đình cổ đẹp nhất miền Bắc. Không chỉ là nơi thờ sáu vị thành hoàng làng có công với quê hương, đình còn là nơi gắn bó mật thiết với nhân dân địa phương trong các hoạt động tín ngưỡng và văn hóa dân gian.

Với kiến trúc cổ kính, mang đậm dấu ấn thời Lê – Nguyễn, cùng hệ thống chạm khắc gỗ tinh xảo, đình Đình Bảng là biểu tượng tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt Nam. Việc được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự ghi nhận giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là động lực để Bắc Ninh tiếp tục đầu tư, trùng tu, bảo tồn di tích xứng tầm với vị thế của di tích.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, người có đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà lưu niệm của ông là không gian lưu giữ những tư liệu quý, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước. Di tích này mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, đặc biệt với thế hệ trẻ.

Ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” là một trong những bảo vật quốc gia quý hiếm, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử và nghệ thuật. Được đúc bằng vàng ròng, với kỹ thuật tinh xảo, ấn là biểu tượng tối cao của quyền lực hoàng đế trong thời phong kiến. Đây là lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh vinh dự được đón nhận một bảo vật có tầm vóc quốc gia, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lịch sử tại địa phương.

Bắc Ninh: Dấu ấn lịch sử và khát vọng phát triển từ vùng đất phát tích triều Lý

Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn ôn lại câu chuyện ngày Rằm tháng Ba năm Canh Tuất 1010, vào chính ngọ đắc tâm linh, Lý Công Uẩn chính thức làm lễ đăng quang ngôi vị Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên. Việc Lý Thái Tổ đăng quang và sau đó ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đặt tên kinh đô mới là Thăng Long không chỉ mang ý nghĩa địa – chính trị chiến lược, mà còn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh kiệt xuất của một bậc minh quân. Vị vua khởi thủy triều Lý còn ban hành nhiều kế sách phát triển kinh tế, mở rộng bang giao đối ngoại, xây dựng nên một vương triều thịnh trị suốt 216 năm và trải qua 9 đời vua. Vương triều Lý không những được đánh giá là một vương triều “thuần từ” nhất, mà còn là một triều đại có công nhất trong lịch sử dân tộc.

“Thật tự hào trên quê hương Bắc Ninh đã sản sinh ra một bậc vĩ nhân lịch sử – Đức vua anh minh Lý Thái Tổ, người đặt nền móng cho nền độc lập tự chủ và phát triển văn hóa rực rỡ của nước ta. Được thừa hưởng giá trị, nền tảng của cha ông để lại, chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm lớn lao trước lịch sử và dân tộc, quyết tâm tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với công lao và sự nghiệp vẻ vang mà đức vua Lý Thái Tổ trao truyền lại cho chúng ta”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Bắc Ninh: Dấu ấn lịch sử và khát vọng phát triển từ vùng đất phát tích triều Lý

Bảo vật Quốc gia ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng

Đặc biệt, trong những năm vừa qua, tỉnh Bắc Ninh luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; là địa phương đã thu hút hàng loạt các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về đầu tư, sản xuất. Kinh tế của tỉnh đã trở thành một điểm sáng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 đạt 232.800 tỷ đồng. Tốc độc tăng trưởng GRDP đạt 6,03%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng/năm, tăng 14,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2023; trong đó thu nội địa đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 10%.

Lễ kỷ niệm 1.015 năm Đức Vua Lý Thái Tổ đăng quang không chỉ mang tính nghi lễ mà còn là cơ hội quý báu để Bắc Ninh khẳng định vị thế là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, trung tâm văn hóa lớn của dân tộc. Những giá trị truyền thống đang từng bước được khơi dậy, kết nối với các chiến lược phát triển mới dựa trên công nghệ, đô thị thông minh và kinh tế xanh.

Sự kiện cũng góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh đến bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách, nhà đầu tư và cộng đồng yêu văn hóa – lịch sử. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bắc Ninh không ngừng đổi mới tư duy, lấy văn hóa làm nền tảng, phát triển kinh tế làm động lực và khoa học – công nghệ làm trụ cột phát triển bền vững.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img