Saturday, April 19, 2025

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ – Kỳ 4: Trẻ phá thai đang gia tăng

Vừa qua ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã tiếp nhận một trường hợp trẻ vị thành niên sinh năm 2009 đi cùng mẹ đến bệnh viện để phá thai 22 tuần tuổi.

Số ca phá thai tăng lên rõ rệt

Điều đáng nói là trước đó em đã sinh mổ một lần. Hai đứa con có cùng một người cha (khoảng hơn 30 tuổi). Hiện chồng của em đã bỏ đi, gia đình không có kinh tế để nuôi đứa con thứ hai nên quyết định phá thai.

Bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, số lượng trẻ vị thành niên mang thai đến khám và điều trị tại khoa Kế hoạch gia đình của Bệnh viện Từ Dũ chỉ là phần nhỏ có thể nhìn thấy – giống như phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế, con số ngoài kia còn lớn hơn gấp rất nhiều.

Hiện nay, việc tiếp cận các phương pháp phá thai trở nên quá dễ dàng, thậm chí là thiếu kiểm soát.

Không ít em gái đã tự mua thuốc phá thai trôi nổi tại các nhà thuốc không phép hoặc qua mạng, trong khi việc phá thai cần phải được thực hiện đúng theo quy trình y khoa, phụ thuộc vào độ tuổi thai, tình trạng sức khỏe và tiền sử của người mang thai.

Đã có những trường hợp đau lòng xảy ra khi các em tự ý dùng thuốc, thậm chí ngay cả người lớn cũng có người mua thuốc phá thai trên mạng và dẫn đến biến chứng nặng như vỡ tử cung.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 4: Trẻ phá thai đang gia tăng

Tình trạng phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng

ẢNH MINH HỌA

Về thực trạng, theo bác sĩ Nhật, tình trạng trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn và phá thai đang có chiều hướng gia tăng rõ rệt qua các năm.

Năm 2023, tại Bệnh viện Từ Dũ đã ghi nhận hơn 600 ca phá thai. Đến năm 2024, con số này đã lên đến 1.410 ca – tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong hai tháng đầu năm 2025 đã có 170 ca phá thai. So với cùng kỳ năm 2024 là 82 ca thì con số này đã tăng hơn gấp đôi.

Dù đã có nhiều chính sách xã hội và hoạt động tuyên truyền được triển khai, nhưng thực tế cho thấy tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.

“Những trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên đa số là ngoài ý muốn, gặp khó khăn về khả năng nuôi con, khả năng chăm sóc bản thân, khả năng quyết định tương lai và chắc chắn phụ thuộc vào kinh tế của cha mẹ. Đôi khi trẻ không muốn phá thai nhưng vì áp lực từ cha mẹ như áp lực kinh tế, áp lực xã hội. Có nhiều trường hợp cha mẹ vì không muốn mất mặt, tổn hại thanh danh nên kiên quyết buộc con phá thai”, bác sĩ Nhật nói.

Bác sĩ Nhật cũng chia sẻ rằng tại khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ có một đội ngũ tư vấn sức khỏe sinh sản dành riêng cho trẻ vị thành niên. Đây là những chuyên viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và luôn sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ các em.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng không chỉ đến từ trẻ mà còn phải có sự đồng thuận của người giám hộ hợp pháp. Vì vậy, quy trình tư vấn được thực hiện theo từng bước rõ ràng: đầu tiên là tư vấn riêng cho trẻ để các em có không gian tự do bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ mà không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của người lớn.

Sau đó, đội ngũ sẽ tư vấn riêng với người giám hộ. Cuối cùng mới là buổi tư vấn kết hợp cả hai bên để cùng nhau đưa ra quyết định cuối cùng

Việc tách biệt như vậy giúp trẻ cảm thấy an toàn và được tôn trọng, đặc biệt trong những hoàn cảnh nhạy cảm như vậy.

Hầu như trẻ đến bệnh viện khi thai nhi đã lớn

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Trưởng mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại (mô hình Bồ Công Anh), cho biết tình trạng trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn đang có xu hướng gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây.

Theo thống kê tại bệnh viện, năm 2022 ghi nhận 75 trường hợp trẻ vị thành niên đến phá thai. Tuy nhiên, đến năm 2024, con số này đã tăng lên 106 trường hợp.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 4: Trẻ phá thai đang gia tăng

Trẻ vị thành niên phá thai là một vấn đề đáng quan ngại

ẢNH MINH HỌA

Không chỉ các ca phá thai gia tăng, số lượng trẻ vị thành niên sinh con cũng có dấu hiệu tăng. Cụ thể, năm 2022 có 351 trường hợp sinh con ở độ tuổi này, đến năm 2024 đã lên đến 375 ca.

Như vậy, cả hai xu hướng phá thai và sinh con ở tuổi vị thành niên đều tăng, trong đó tốc độ gia tăng của phá thai là đáng lo ngại hơn cả.

Theo bác sĩ Tuyết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên mang thai xuất phát từ việc quan hệ tình dục không an toàn. Ở lứa tuổi này, các em thường có tâm lý muốn khẳng định bản thân đã trưởng thành bằng cách bắt chước hành vi của người lớn. Trong đó có cả hành vi tình dục.

Tuy nhiên, việc thiếu kiến thức và trải nghiệm để tự bảo vệ bản thân khiến các em dễ rơi vào tình huống mang thai ngoài ý muốn.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, những trường hợp trẻ vị thành niên đến phá thai hoặc sinh con đều được xem là các ca đặc biệt và được phân luồng riêng để chăm sóc toàn diện.

Bác sĩ Tuyết nhấn mạnh rằng, mặc dù cơ thể các em đang trong giai đoạn phát triển nhưng cơ quan sinh dục vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn. Vì vậy, bất kỳ can thiệp y tế nào, dù là phá thai hay sinh con cũng tiềm ẩn nguy cơ sang chấn, tai biến hoặc biến chứng cao hơn nhiều so với người trưởng thành.

Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, việc mang thai, sinh con hay phá thai ở tuổi vị thành niên còn dễ khiến các em bị tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý.

Vì vậy, đội ngũ y tế không chỉ chăm sóc về mặt chuyên môn mà còn cần sự nhạy cảm, kiên nhẫn và đồng hành với các em.

Bác sĩ Tuyết cho hay Bệnh viện Hùng Vương cũng có đơn vị Bồ Công Anh là nơi chuyên tiếp nhận, sàng lọc và hỗ trợ các trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại. Ngoài các can thiệp y tế, đơn vị này còn hỗ trợ nơi tạm lánh an toàn, tư vấn tâm lý, giúp trẻ từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng một cách lành mạnh.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng, Trưởng khoa Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương, Phó trưởng đơn vị Bồ Công Anh, cho biết thêm rằng phần lớn các bé gái mang thai khi đến bệnh viện đều có ý định phá thai. Tuy nhiên, phần lớn các em phát hiện mình mang thai quá muộn.

Điển hình là có một trường hợp 11 tuổi, học sinh cấp hai. Em có thai nhưng gia đình chỉ nghĩ là do bị tăng cân. Đến khi thấy bụng của em ngày càng to, mẹ em dẫn đi khám thì mới phát hiện em đã mang thai 26 tuần.

Một vấn đề mà bác sĩ Hùng đề cập là trong một số trường hợp phá thai có dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục, nhưng hầu như gia đình của các em đều không muốn liên quan đến pháp lý, không yêu cầu hay tiếp nhận hỗ trợ pháp lý.

Khi tiến hành đình chỉ thai, bệnh viện phải có sự đồng thuận và bảo lãnh của người giám hộ vì các em chưa đủ tuổi vị thành niên. Nhiều trường hợp rất nhạy cảm, thậm chí bạn trai dẫn em gái đến bệnh viện phá thai mà giấu cha mẹ, bác sĩ phải giải thích kỹ và yêu cầu mời người giám hộ đến, nhưng sau đó cũng không thấy các em quay trở lại.

Về hành động của gia đình, bác sĩ Hùng cũng chia sẻ thực tế là nhiều gia đình khi biết con mang thai thường có xu hướng muốn đình chỉ thai vì cho rằng như vậy sẽ “êm chuyện”, dễ giấu giếm hàng xóm, người thân và các em có thể tiếp tục việc học mà không bị gián đoạn.

Không ít gia đình đến bệnh viện với nguyện vọng phá thai ngay cả khi thai đã rất lớn. Nhưng khi đã vượt quá giới hạn quy định (22 tuần tuổi trở lên) thì các em buộc phải sinh con. Trong những trường hợp này, bệnh viện luôn cố gắng hỗ trợ tối đa để các em được sinh nở an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img