Nhiều năm qua, hàng chục cơ sở chế biến mực xà tại TT.Cát Khánh (H.Phù Cát, Bình Định) ngang nhiên xả thải ra môi trường, phát tán mùi hôi thối nồng nặc, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Tại TT.Cát Khánh, các cơ sở chế biến mực xà mọc lên san sát, đặc biệt tập trung ở hai khu phố An Quang Tây và An Quang Đông. Hơn 50 cơ sở hoạt động rầm rộ khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi bốc lên nồng nặc khiến người dân phải luôn phải đóng kín cửa nhà.

Mực xà được phơi tràn lan ở gần cảng cá Đề Gi (TT.Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định)
ẢNH: HẢI PHONG
Theo ông Đỗ Đức Trà (53 tuổi, ở khu phố An Quang Đông), hoạt động xẻ mực xà để phơi ở địa phương ngày một nhiều, khiến môi trường bị ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc. Từ tháng 2 – 9 hằng năm, các cơ sở chế biến mực xà hoạt động liên tục khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mùi hôi luôn ám vào quần áo rất khó chịu. “Khi các cơ sở chế biến hoạt động là nhà tôi phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm. Nhiều gia đình thậm chí phải bỏ nhà đi ở nơi khác vì tình trạng ô nhiễm quá nặng, cả không khí và nguồn nước”, ông Trà bức xúc nói.
Ông Nguyễn Hữu Dự, Tổ trưởng khu phố An Quang Tây, cho biết nghề chế biến mực xà ở đây có từ năm 2015, hiện nay mỗi ngày các cơ sở xẻ, phơi khoảng 70 tấn mực. Dù người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng các cơ sở chế biến không giảm mà còn tăng theo từng năm. Các cơ sở tập trung nhiều nhất ở khu phố An Quang Tây, hầu hết đều xả thải trực tiếp ra môi trường. “Người dân địa phương rất bức xúc. Mỗi lần tiếp xúc cử tri hay đối thoại họ đều có ý kiến về các cơ sở này. Có những nhà ở gần cơ sở chế biến phải đóng cửa, chuyển gia đình đi nơi khác vì ô nhiễm quá nặng”, ông Dự nói.

Nước thải từ các cơ sở chế biến mực xà chảy trực tiếp ra môi trường
ẢNH: HẢI PHONG
Xử lý hôm trước, hôm sau tái diễn
Giữa tháng 4, sau khi nhận đơn thư phản ánh, PV Thanh Niên đã tới ghi nhận tình trạng chế biến mực xà ở TT.Cát Khánh. Mực được xẻ trong các lán trại tạm bợ rồi mang ra khu đất thuộc dự án khu dân cư An Quang Tây phơi. Các cơ sở xả thải trực tiếp ra môi trường khiến nước ở đây có màu đen và rất hôi. Rác thải nổi lềnh bềnh ngay cạnh khu vực chế biến và phơi mực. Các khu dân cư ở gần cơ sở chế biến mực bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước. Một số cơ sở còn mang mực ra khu vực gần nghĩa địa để xẻ và phơi khô, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến khu dân cư. Mỗi ngày tại đây có hàng chục tấn mực được xẻ và phơi khô, đem đi tiêu thụ.

Ông Đỗ Đức Trà bức xúc vì các cơ sở chế biến mực xà gây ô nhiễm
ẢNH: HẢI PHONG
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND TT.Cát Khánh, cho biết chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa hiệu quả. Khi kiểm tra thì tình trạng ô nhiễm có giảm, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng thì mọi chuyện tái diễn. Việc xử phạt hành chính cũng khó khăn vì chủ cơ sở chây ì, viện đủ lý do để không đóng phạt. “Trước thực trạng các cơ sở chế biến mực xà ngày càng nhiều, gây ô nhiễm, chính quyền địa phương sẽ kiến nghị UBND H.Phù Cát kiện toàn lại Tổ công tác liên ngành để phối hợp cùng UBND thị trấn kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý cảng cá Đề Gi không cho xe ba gác, xe đông lạnh chở mực xà ra vào cảng để phân phối cho các cơ sở chế biến ở đây”, ông Tiến nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND H.Phù Cát, cho biết huyện đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng nói trên. Trong năm 2024 đã tổ chức đợt tiêu hủy mực phơi trái phép, gây ô nhiễm môi trường tại TT.Cát Khánh. Tuy nhiên, mới xử lý hôm trước thì hôm sau người dân lại mang ra phơi tiếp. “Chúng tôi đã gửi công văn đề xuất Công an tỉnh Bình Định cử lực lượng phối hợp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm do chế biến mực xà gây ra”, ông Hưng nói.
Nguồn: thanhnien.vn