Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng sẽ mở ra những cơ hội phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho liên kết vùng và tăng trưởng kinh tế.
Tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao Mai Sơn, kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Đông, thuộc xã Mai Sơn (huyện Yên Mô), điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy nối sang tỉnh Nam Định, thuộc xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh). Chiều dài toàn tuyến là 25,3km, đi qua hai huyện Yên Mô và Yên Khánh, tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng.
Sau một thời gian nỗ lực để hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định, sáng ngày 19/4, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình đã chính thức khởi công (ảnh: Nguyễn Trường)
Tuyến cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường gần 25m và mặt đường rộng 15m. Toàn tuyến có 12 cây cầu, trong đó có 3 cầu vượt dân sinh và 3 nút giao liên thông. Tổng mức đầu tư dự án là 6.865 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Ninh Bình.
Theo ông Phạm Quốc Chính – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình (chủ đầu tư) Dự án, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình xác định Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Ninh Bình. Do vậy, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh triển khai thực hiện dự án do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và thường xuyên kiểm điểm công việc theo tuần để đôn đốc, kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đồng thời tổ chức họp ngay khi phát sinh khó khăn, vướng mắc để bàn cách giải quyết. Đến nay toàn bộ thủ tục lựa chọn nhà thầu cho 18/20 gói thầu đã được hoàn thiện với tổng dự toán hơn 4.387 tỉ đồng. Các hợp đồng xây lắp, tư vấn giám sát đã được ký kết, sẵn sàng triển khai đồng loạt sau lễ khởi công.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Chính cho biết các huyện Yên Mô, Yên Khánh nơi có dự án đi qua đã kê khai, kiểm đếm được toàn bộ 2.501 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 227ha. Trong đó, có khoảng 5,8ha đất ở và đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng là 618,375 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã bố trí xong 10 khu tái định cư, hoàn thiện phương án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật và phê duyệt đầy đủ kế hoạch sử dụng đất.
Tổng nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 4.953 tỉ đồng, trong đó 3.000 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch đầu tư công năm 2025 và 1.953 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2024 – 2025.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh dự án, theo đó, thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình sẽ được rút ngắn xuống còn 3 năm (từ năm 2024 – 2026, thay vì từ năm 2024 – 2029 như quyết định ban đầu).
Mở rộng kết nối giao thông liên vùng
Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng là một trong những dự án giao thông quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia. Tuyến cao tốc này không chỉ kết nối các tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và du lịch của các địa phương có tuyến đường đi qua. Khi hoàn thành, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho khu vực và tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng.
Tổng chiều dài tuyến đường là 25,3 km, tốc độ thiết kế 120 km/h – Ảnh: VGP/Gia Huy
Ông Phạm Quốc Chính – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Ngoài việc kết nối với tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 và giảm tải cho tuyến cao tốc Mai Sơn – Cao Bồ qua trung tâm thành phố Hoa Lư và tuyến Mai Sơn cầu Tam Tòa, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình còn kết nối giao thông toàn khu vực phía Đông tỉnh Ninh Bình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường QL10, tuyến đường ven biển, trục giao thông Đông – Tây của tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, và Hải Phòng – một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận của Ninh Bình từ các trung tâm kinh tế lớn như Hải Phòng còn nhiều hạn chế. Bởi việc di chuyển giữa hai địa phương này thường mất nhiều thời gian do phụ thuộc vào các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Sự ra đời của cao tốc đã giải quyết triệt để vấn đề này, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn khoảng một nửa, mở ra những lợi thế to lớn cho ngành du lịch của tỉnh Ninh Bình. Không chỉ thu hút khách du lịch nội địa, tuyến cao tốc còn tạo điều kiện thuận lợi để Ninh Bình tiếp cận thị trường khách quốc tế thông qua Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng).
Bên cạnh du lịch, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng cũng mang lại lợi thế trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác của Ninh Bình, như công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, nhờ khả năng kết nối thuận tiện với các khu công nghiệp và cảng biển của Hải Phòng.
Ninh Bình cũng đang triển khai một kế hoạch tổng thể nhằm phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại đến năm 2030. Trọng tâm là mở rộng kết nối giao thông liên vùng, hoàn thiện hệ thống đường bộ, phát triển đô thị và tăng cường năng lực hạ tầng công nghiệp.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng và nâng cấp mạng lưới giao thông trục chính, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, nhằm kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, với quy hoạch tổng thể đến năm 2030 có 11 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 2.790ha. Song song đó là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị, nhất là tại TP Ninh Bình và các khu vực phát triển mới. Mục tiêu đến năm 2030 là hình thành các đô thị động lực có hệ thống giao thông nội đô hiện đại, kết nối linh hoạt với các trục liên tỉnh và vùng du lịch trọng điểm.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn