Doanh nghiệp mong mỏi sớm có khung chính sách và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện.
Được xem là công cụ khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào 2050, sàn giao dịch carbon Việt Nam dự kiến vận hành vào tháng 6/2025. Vậy nhưng, thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Bà Võ Hoàng Nga, Giám đốc E&S Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS).
– Vậy theo bà, đâu là rào cản lớn nhất hiện nay?
Chúng tôi cho rằng, rào cản đầu tiên với doanh nghiệp là thiếu thông tin, phải phụ thuộc nhiều vào đội ngũ tư vấn, dẫn tới doanh nghiệp bị động về thời gian và chi phí.
Có thể nói, để có thể tạo ra tín chỉ carbon đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn về phát triển bền vững, đầu tư tương xứng vào công nghệ sạch và chủ động tìm hiểu các thông tin, quy định của thị trường tín chỉ carbon để có những bước đi phù hợp. Tại doanh nghiệp chúng tôi, chiến lược về phát triển bền vững đã có trong định hướng của lãnh đạo TTC AgriS từ khá lâu, chúng tôi đã bắt đầu tham gia vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ 10 năm trước, với định hướng tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2035. Là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nên chúng tôi cũng lựa chọn những giải pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, tuần hoàn tái sử dụng chất thải tạo ra tín chỉ carbon…
Mặc dù đã đầu tư công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ sớm, tuy nhiên, quá trình triển khai tín chỉ carbon vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật, trong đó có những khâu vẫn phải thực hiện thủ công như thu gom chất thải, dẫn đến chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký dự án để phát hành tín chỉ carbon hiện mất nhiều thời gian và chi phí. Trung bình mỗi dự án cần 2–3 năm để hoàn tất quy trình, thậm chí có trường hợp kéo dài tới 4 năm.
Cần có bộ tiêu chuẩn của Việt Nam về chứng nhận tín chỉ carbon cũng như cơ chế, quy định khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp giao dịch tự nguyện. (Ảnh: Vùng nguyên liệu của TTC AgriS)
– Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực triển vọng trong phát triển tín chỉ carbon, doanh nghiệp có nhận định ra sao và đang triển khai những dự án nào, thưa bà?
Nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn khi phát triển tín chỉ carbon. Bởi chúng ta sử dụng nhiều hoá chất trong quá trình chăm sóc cũng như sử dụng thuốc diệt cỏ bừa bãi, sử dụng nước không có kế hoạch dẫn tới cạn kiệt tài nguyên… ảnh hưởng lớn tới quá trình giảm phát thải. Chúng tôi đã phải học hỏi áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để thực hiện tiết kiệm nước, bón phân hiệu quả. Doanh nghiệp cũng sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất và trong công nghiệp để tạo ra sản phẩm biochar, chúng tôi sử dụng sản phẩm biochar này cung cấp cho nông dân để tăng thêm phần cải tạo đất. Bên cạnh đó, có thêm tín chỉ carbon cho biochar này.
Chúng tôi cũng có dự án trồng 10 triệu cây xanh để bù trừ phần phát thải của TTC AgriS. Chúng tôi cũng dự kiến tham gia vào chứng nhận carbon. Từ năm 2022, chúng tôi cũng đã tham gia cung cấp hơn 100.000 chứng chỉ I-REC và hơn 20.000 chứng chỉ cho điện mặt trời mỗi năm và sẽ tiếp tục thực hiện dự án này thời gian tới.
Cam kết phát triển bền vững của TTC AgriS.
– Thị trường tín chỉ carbon nói riêng và chiến lược ESG của doanh nghiệp nói chung vẫn còn rào cản, bà có kinh nghiệm nào để chia sẻ với các doanh nghiệp khi tham gia thị trường?
Thực tế ESG hay tín chỉ carbon còn rất mới tại Việt Nam, chúng tôi vẫn đang trong quá trình học hỏi và từng bước triển khai, tận dụng những tiềm năng. Để thực hiện ESG, tôi cho rằng trước hết chúng ta phải hiểu năng lực của doanh nghiệp mình đang nằm ở đâu trong hành trình ESG. Xác định “độ lệch” của doanh nghiệp so với những tiêu chí, yêu cầu về ESG. Từ đó đưa ra kế hoạch, lộ trình đáp ứng tiêu chí, hoàn thiện các mảnh ghép trong bộ 3 tiêu chuẩn ESG, đưa ra chương trình hành động thực hiện ESG phù hợp lĩnh vực hoạt động.
– Vậy bà có kiến nghị gì với Chính phủ và các cơ quan quản lý để các doanh nghiệp như TTC AgriS có thể triển khai các dự án và tham gia sâu vào thị trường tín chỉ carbon?
Hiện các quy định, khung chính sách về thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam đang cấp thiết cần hoàn thiện và các doanh nghiệp rất mong mỏi. Chúng tôi cho rằng cần sớm có cơ chế trao đổi giao dịch tín chỉ carbon cho doanh nghiệp tham gia dễ dàng thực hiện.
Chúng tôi tuy không nằm trong danh mục các doanh nghiệp bắt buộc kiểm kê khí nhà kính mà là tự nguyện áp dụng, nhưng cũng mong muốn sớm có khung chính sách cho các doanh nghiệp giao dịch tự nguyện, để doanh nghiệp có thể tham gia chính thức.
Cùng với đó, cần có bộ tiêu chuẩn của Việt Nam về chứng nhận tín chỉ carbon. Đặc biệt, có cơ chế cũng như những quy định khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp giao dịch tự nguyện.
– Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn