Việt kiều về Việt Nam lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú tại địa phương.
Vì vậy, Việt kiều về Việt Nam cần đăng ký tạm trú như thế nào?
Luật sư trả lời

Luật sư Đinh Thị Tuyết
ẢNH: CÔNG TY LUẬT VIÊN AN CUNG CẤP
Luật sư Đinh Thị Tuyết (Công ty luật Viên An) cho biết theo điều 27 luật Cư trú năm 2020 thì Việt kiều về Việt Nam lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên, thì phải thực hiện đăng ký tạm trú tại địa phương.
Trình tự thủ tục là: chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định; nộp hồ sơ tại công an cấp xã; khi tiếp nhận hồ sơ, công an xác minh, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ, xác minh chỗ ở hợp pháp do công dân cung cấp; hồ sơ hợp lệ thì nộp lệ phí; hẹn trả kết quả.
Về cách thức thực hiện, sẽ có 2 hình thức, gồm: nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú; hoặc trực tuyến qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ hai đến thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật).
Hồ sơ đăng ký tạm trú
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA); đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại khoản 3 điều 5 Nghị định 154/2024/NĐ-CP ngày 26.11.2024 của Chính phủ, trừ trường hợp cơ quan đăng ký cư trú khai thác được thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử của công dân trên ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Công dân đăng ký tạm trú về với hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 luật Cư trú khi chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Đăng ký tạm trú theo danh sách, hồ sơ gồm:
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (của từng người) (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA).
Văn bản đề nghị đăng ký tạm trú trong đó ghi rõ thông tin về chỗ ở hợp pháp kèm danh sách người tạm trú. Danh sách bao gồm những thông tin cơ bản của từng người: họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân và thời hạn tạm trú.
Phí, lệ phí thủ tục Việt kiều đăng ký tạm trú tại Việt Nam
Đăng ký tạm trú (cá nhân, hộ gia đình):
- Trường hợp công dân nộp hồ sơ trực tiếp thu 15.000 đồng/lần đăng ký;
- Trường hợp công dân nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến thu 7.000 đồng/lần đăng ký.
Đăng ký tạm trú theo danh sách:
- Trường hợp công dân nộp hồ sơ trực tiếp thu 10.000 đồng/người/lần đăng ký;
- Trường hợp công dân nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến thu 5.000 đồng/người/lần đăng ký.
Trường hợp công dân thuộc diện được miễn phí theo quy định tại điều 4 Thông tư số 75/2022/TT-BTC ngày 22.12.2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú thì công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh thuộc diện được miễn trừ trường hợp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nguồn: thanhnien.vn