Tuesday, April 22, 2025

Biểu trưng Sài Gòn đầu tiên

Hình ảnh thiết kế cũng là một phần của mỹ thuật đô thị, đặc biệt là hình ảnh biểu trưng của một thành phố (Coat of arms of city) hay huy hiệu (logo). Theo các tài liệu lưu trữ, từ khoảng năm 1870, trên các giấy tờ công văn, khai sinh, thông báo của chính quyền thành phố, đã xuất hiện logo của Ville de Saigon – TP.Sài Gòn, như thông lệ các thành phố phương Tây.

CỌP VẰN – LINH VẬT BẢN ĐỊA CỦA SÀI GÒN

Logo này là hình vẽ mực đen, gồm nhiều chi tiết, trong đó nổi bật là hình ảnh hai con cọp vằn trong tư thế cường tráng và uyển chuyển, đang “canh gác” một tấm khiên ở giữa. Hình tượng cọp chính là linh vật bản địa của Sài Gòn, nơi nổi tiếng có cọp dữ – “chúa sơn lâm” thời khai phá.

Sách sử xưa ghi nhận cọp Cần Giờ và cọp Hóc Môn nổi tiếng hung dữ nhất. Ngày nay, cọp vẫn là hình tượng phổ biến trên các bức bình phong bằng đá trên sân các đình miếu Sài Gòn và Nam bộ.

Trong khi ấy, trên cùng tấm khiên là hình một vòng thành răng cưa, kiểu châu Âu, tượng trưng cho thành thị. Trong tấm khiên là hình ảnh một thương thuyền, kiểu dáng thế kỷ 19, với hai cột buồm lớn có treo cờ và ống khói ở giữa, đang lướt đi trên sóng nước. Có lẽ thương thuyền và dòng nước vừa mang ý nghĩa giao thương, vừa nói đến tư thế của một thành phố mở cửa ra với thế giới.

Biểu trưng Sài Gòn đầu tiên

Logo Sài Gòn trên bản đồ du lịch thành phố trước 1945 ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Biểu trưng Sài Gòn đầu tiên

Logo Sài Gòn thể hiện hình tròn trên kim loại ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Mặt khác, phía trên thương thuyền, phía tay phải có một ngôi sao to năm cánh, thể hiện Sao Mai, dẫn hướng cho con thuyền. Có thể tác giả ngụ ý thành phố này luôn hướng đến tương lai, đồng nghĩa với hướng đến văn minh tân tiến. Hình tượng tòa thành, con thuyền buồmsông nước, cùng cách xếp đặt, có vẻ tương đồng với logo của Paris (ra đời từ thế kỷ 14, hoàn chỉnh năm 1853). Phải chăng tác giả thiết kế và Hội đồng thành phố thời đó đã gửi gắm mong ước Sài Gòn là Paris phương Đông? Sau này, nhiều du khách Pháp và nước ngoài cũng đã có nhận xét như thế khi đến thăm thành phố.

Trên nền của toàn cảnh logo là một số cành lá nhiệt đới, rõ nét nhất là lá chuối, rất VN. Dưới chân tấm khiên và hai con cọp là một dải lụa, ghi dòng chữ bằng tiếng Latin: PAULATIM CRESCAM, nghĩa là “Từ từ sẽ lớn mạnh”. Quả thật, thực tế cho thấy nửa cuối thế kỷ 19 là thời kỳ đô thị Sài Gòn hiện đại hình thành dần dần. Và rồi sang đến nửa đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã nhanh chóng lớn mạnh, trở thành một thành phố tân kỳ và hoàn chỉnh, bắt kịp và sánh vai cùng Singapore, Penang, Hồng Kông và nhiều cảng thị phát đạt trong vùng Đông Á.

Vào đầu thập niên 1930, khi chính quyền Pháp đẩy mạnh quảng bá Đông Dương ra bên ngoài để tăng cường thu hút du khách và nhà đầu tư thì logo Ville de Saigon xuất hiện rộng rãi trên nhiều sách báo, tài liệu bằng nhiều thứ tiếng.

Biểu trưng Sài Gòn đầu tiên

Logo thành phố Paris ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Biểu trưng Sài Gòn đầu tiên

Sài Gòn – TP.HCM nhìn từ trên cao ẢNH: GIẢN THANH SƠN

Đặc biệt, vào năm 1942, tại Hội chợ – triển lãm quốc tế của Đông Dương (tổ chức ở vườn Tao Đàn), logo thành phố Sài Gòn được đưa vào các bộ kỷ niệm chương bằng kim loại, màu nâu đồng. Qua đấy, họa sĩ bố trí logo nằm trong hình tròn và sửa đổi một ít hình dáng tòa thành và thương thuyền. Trong đó, đáng chú ý chi tiết hai lá cờ Pháp bị lược bỏ (thời điểm này quân Nhật đã chiếm đóng Đông Dương, chính quyền Pháp ở thuộc địa buộc phải chủ trương tăng cường vai trò người Việt).

Cho đến nay, chưa rõ tác giả biểu trưng của Sài Gòn xưa là ai. Chỉ được biết logo này tồn tại đến năm 1949 – 1950 trên các giấy tờ của tòa thị chính. Sau đấy, việc quản trị thành phố đã chuyển qua người Việt, thuộc chính quyền Bảo Đại nên logo này có thể không dùng nữa. Tuy nhiên vào nhiều thập niên kế tiếp, phù điêu lớn khắc hình logo Sài Gòn thời Pháp vẫn còn trông thấy bên trong nội thất Tòa thị chính (trụ sở UBND TP.HCM ngày nay) và mặt tiền bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi. Sau năm 1975 không còn thấy các phù điêu này tại các nơi trên.

Nhìn lại biểu trưng của Sài Gòn xưa, chúng ta có thể nhận ra nó bao gồm các yếu tố: lịch sử, tâm linh, đặc điểm địa lý và kinh tế, đồng thời có cả phương châm phát triển.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img