Tuesday, April 22, 2025

Căng thẳng thương mại toàn cầu: Đâu là nhóm ngành tiềm năng?

VTV.vn – Theo chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, qua đó nhiều nhóm ngành vẫn tăng trưởng tích cực và tiềm năng.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trước biến động thương mại toàn cầu

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, những ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và thuế quan trên toàn cầu là không tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam với những ưu thế cùng những chính sách phát triển đồng bộ trong kỷ nguyên mới, sẽ giúp cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, qua đó nhiều nhóm ngành vẫn sẽ tăng trưởng tích cực và tiềm năng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chính sách thương mại gần đây là một sự bất ngờ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) việc áp thuế không phải là điều bất ngờ bởi trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này. Điều gây ra bất ngờ đó chính là đối tượng áp thuế và mức thuế khi ông Trump đã công bố các mức thuế cho toàn bộ thế giới. Công thức tính thuế của ông Trump cũng có phần phi truyền thống, dựa trên những cơ sở kinh tế không hoàn toàn vững chãi.

Có thể thấy phản ứng của các nước nhìn chung có thể chia ra 3 nhóm chính, một số nước đã chấp nhận việc bị đánh thuế như Israel, Argentina hay Nhật Bản… Một số nước chấp nhận bị đánh thuế và song song với đó là tìm thêm giải pháp đa dạng hóa các đối tác thương mại như Thái Lan, Malaysia. Còn lại một số khác thì tuyên bố áp thuế phản kháng, đi đầu là Trung Quốc.

Với những diễn biến ở trên thì nhìn chung, triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên bấp bênh và suy yếu hơn. Nguyên nhân là bởi những diễn biến trên sẽ gây ra: Thứ nhất đó là sụt giảm tổng cầu khi nước Mỹ đang tìm cách giảm bớt thâm hụt chi tiêu. Thứ hai, thuế quan nói riêng và các động thái yêu cầu dịch chuyển sản xuất nói chung sẽ dấn tới việc chi phí sản xuất gia tăng trong ngắn hạn. Đối với Mỹ, gần đây Thống đốc Fed cũng đã nhận định nhiều khả năng là “tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn”.

Căng thẳng thương mại toàn cầu: Đâu là nhóm ngành tiềm năng? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kỳ Minh tham gia trao đổi cùng BTV Khánh Ly tại Talk show Phố Tài chính.

Trung Quốc là đối tượng nhắm đến chính của thuế quan Mỹ lần này. Phản ứng của Trung Quốc, có phần khác biệt so với nhiều quốc gia khác. Trước các mức thuế có phần bất ngờ và cao vô lý của phía Mỹ, kể cả so sánh với công thức của ông Trump, Trung Quốc đã tỏ ra hết sức bình tĩnh và kiên quyết bảo vệ quyền lợi và vị thế của quốc gia mình, thông qua việc áp thuế phản vệ tương đương và tìm kiếm các giải pháp dựa trên các nền tảng đa phương.

Nguyên nhân được cho là Trung Quốc cần có những phản ứng phù hợp với vị thế là quốc gia quan trọng trong nền kinh tế thế giới và chuỗi thương mại toàn cầu, đảm bảo là chỗ dựa vững chắc cho các đối tác. Thứ hai, hiện tại Trung Quốc đã đạt được rất nhiều bước tiến đối với kế hoạch “Made in China 2025”. Điều này làm gia tăng cạnh tranh từ phía Mỹ, nên sẽ khó có thể chấp thuận giảm bớt các hàng rào thuế và phi thuế quan mà đã tìm kiếm việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình cũng như sẵn sàng đối thoại để giải quyết bất đồng với phía Mỹ.

Ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi lớn, có thể là sự thay đổi của hàng thập kỷ. Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế khá cao. Tính đến cuối 2024, độ mở của nền kinh tế Việt Nam (đo lường bằng kim ngạch XNK/GDP) đạt khoảng 165%. Đây là một mức rất cao, cho thấy nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thương mại thế giới. Khi thương mại toàn cầu chịu tác động giảm trong ngắn – trung hạn, kinh tế Việt Nam có lẽ khó duy trì đà tăng mạnh mẽ.

“Tuy nhiên, nhưng Việt Nam có thể có một vài thuận lợi. Ví dụ như việc hoãn thuế quan của ông Trump đã dẫn tới việc các doanh nghiệp gia tăng đơn hàng xuất khẩu để tích trữ hàng trước thời điểm áp thuế. Với mức thuế hiện tại chỉ 10%, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và FDI tại Việt Nam muốn tận dụng ưu thế này. Trong khi chúng ta đạt mức tăng trưởng 6,93% trong quý I/2025, cao nhất 6 năm gần đây, thì việc sản xuất tăng tốc trong quý II có thể tạo đà cho tăng trưởng cả năm”, ông Nguyễn Kỳ Minh phân tích.

Ngoài ra, theo Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS), bên cạnh đó, giá dầu đang giảm mạnh trên thế giới do lo ngại về việc sụt giảm nhu cầu trung – dài hạn kéo theo đó là giá xăng tại Việt Nam, giúp cho việc kiểm soát lạm phát trở nên dễ dàng hơn, mở ra dư địa cao hơn cho các chính sách tiền tệ giúp kích thích kinh tế. Như vậy, trong năm 2025, mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam là thách thức hơn, tuy nhiên vẫn có khả năng đạt được với nỗ lực và đồng lòng của Chính phủ, các cơ quan liên quan, và các doanh nghiệp.

Còn đối với doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Kỳ Minh, nếu khách hàng gia tăng đơn hàng để tránh thời điểm áp thuế, hoặc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ thị trường bị thuế cao sang thị trường Việt Nam (giả định Việt Nam có thể đàm phán được mức thuế thấp hơn so với một số bên), thì kết quả của doanh nghiệp đó sẽ tích cực.

Còn nếu mặc dù khách hàng có thể đặt hàng nhiều để tránh thuế, nhưng lo ngại về khả năng có các tuyên bố khác trong giai đoạn 3 tháng này khiến họ hoàn toàn né tránh một số thị trường như Trung Quốc, Việt Nam, thì đó là bất lợi. Ngoài ra, liệu khách hàng của doanh nghiệp là đối tác tại Mỹ, hay thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trong cơ cấu khách hàng của doanh nghiệp, các thị trường/khách hàng khác là đâu…. Tất cả các yếu tố này đều hết sức quan trọng.

Nhà đầu tư nên có chiến lược đầu tư như thế nào?

Đối với thị trường chứng khoán, hiện nay KRX dự kiến vào vận hành trong tháng 5, qua đó thúc đẩy nâng hạng trong năm 2025 này. Trong bối cảnh trên thị trường liệu có bị ảnh hưởng? Trả lời vấn đề này, Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ nhận tin vui là hệ thống KRX triển khai vào tháng 5 tới sau vài lần trì hoãn. Đây sẽ là một thông tin tích cực, khi chúng ta hoàn thành một cột mốc đã được trông chờ, tạo tâm lý và đòn bẩy cho thị trường. Bên cạnh đó việc triển khai KRX cũng thúc đẩy quá trình hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng của FTSE, với việc nâng hạng sớm nhất có thể diễn ra vào tháng 9/2025, thu hút một luồng tiền hấp dẫn.

Nhìn chung trong quý II/2025 và tháng 5 là một thời điểm thuận lợi cho việc có nhiều thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế, đơn hàng và tiến triển của quá trình đàm phán trong khi các thông tin tiêu cực về thuế quan toàn cầu dự kiến phải tới hạn 3 tháng tức là đầu tháng 7 mới xuất hiện (nếu có).

“Tuy nhiên về dài hạn hơn như đã nói tăng trưởng kinh tế từ năm 2026 sẽ là câu hỏi, phụ thuộc nhiều biến số bất định. Với tình hình hiện tại có thể dự đoán giá hàng hóa dịch vụ gia tăng trên bình diện chung, gây áp lực lên lạm phát, lãi suất và định giá của doanh nghiệp trên toàn thế giới, gây tác động gián tiếp lên định giá doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định.

Đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư để có chiến lược cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Kỳ Minh hiện nay chiến lược chủ động sẽ hơn bị động. Hạn chế giải ngân theo các thông tin truyền thông nước ngoài do có khả năng sẽ có các thông tin trái ngược nhau trong khoảng thời gian ngắn. Nhà đầu tư cũng có thể tập trung vào các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, hoặc nền khách hàng ít bị tác động bởi thương chiến. Có thể là một số ngành nghề quan trọng với phía Mỹ đã được miễn/hoãn các mức thuế, hoặc do doanh nghiệp bị đánh thuế cao nhưng nền khách hàng lại không ở Mỹ.

Nhận định đâu là các nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng hoặc sẽ có triển vọng hơn trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Kỳ Minh cho hay: “Đánh giá của IVS cho thấy, những ngành hay các doanh nghiệp tập trung vào nhu cầu trong nước sẽ có nhiều triển vọng hơn, ví dụ như nhóm đầu tư công, sắt thép do nhu cầu trong nước cùng định hướng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trong thời gian gần đây. Những ngành tiêu dùng thiết yếu, ngành điện. Ngành tài chính có thể cần phải cân nhắc và lựa chọn thận trọng. Hiện tại chúng tôi dự kiến ngành tài chính ngân hàng vẫn có tăng trưởng từ 10%-15% trong năm 2025. Ngành thép thì dự báo mức tăng chung khoảng 8-10% và ngành đầu tư công khoảng 10-12%, vẫn là những mức tăng trưởng tốt so với lãi suất hiện nay và phù hợp cho nhà đầu tư phân bổ một phần danh mục”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img