Tuesday, April 22, 2025

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Hiến Lê và những cuốn sách ”không cho ai mượn”

Là tác giả, dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Đại cương triết học Trung Quốc, Kim chỉ nam của học sinh…, học giả Nguyễn Hiến Lê là hiện thân của người yêu và trân trọng sách.

“Khi đọc tôi luôn luôn có một cây bút chì…”

Nói về Nguyễn Hiến Lê, những trước tác đồ sộ viết, dịch của ông có căn bản được tích lũy kiến thức từ những sách vở đọc suốt cuộc đời và tinh thần tự học không ngừng. Vị học giả họ Nguyễn tự nhận mình giống Montaigne ở chỗ “muốn tiêu khiển chỉ có cách đọc sách”. Một trong những lời của Montaigne mà ông tâm đắc, đưa vào trích dẫn trong tác phẩm Tự học, một nhu cầu của thời đại là: “Sự tiếp xúc với sách an ủi tôi trong cảnh già và cảnh cô độc […] Những nỗi đau khổ nhờ nó mà bớt nhói. Muốn tiêu khiển, tôi chỉ có cách đọc sách”. Cũng vì ham sách, nên trong gia đình “bác Hai tôi hồi tôi 16 – 17 tuổi, bảo rằng tôi “đam thư” nghĩa là mê sách”, Nguyễn Hiến Lê hồi tưởng trong Đời viết văn của tôi.

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Hiến Lê và những cuốn sách 'không cho ai mượn"

Tổ chức công việc theo khoa học (in năm 1971), một trong nhiều tác phẩm của học giả Nguyễn Hiến Lê ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Hiến Lê và những cuốn sách 'không cho ai mượn"

Học giả Nguyễn Hiến Lê bên cạnh cháu gái Tô Lệ Hằng và vợ năm 1962 ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÔ LỆ HẰNG

Nhà trí thức Vũ Đình Hòe còn nhớ như in về người bạn thân cùng lớp Nguyễn Hiến Lê dạo học ở Trường tiểu học Yên Phụ 1924 – 1926 ven hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Trong hồi ký Thuở lập thân, Nguyễn Hiến Lê hiện lên là tấm gương “khổ học” của cả lớp, được xem là đầu đàn về Pháp văn, Quốc văn và Hán văn, rất siêng học, siêng đọc. Còn Vũ Đình Hòe dạo đó thì mê các truyện ngắn của Alphonse Daudet, Guy de Maupassant…

Với Nguyễn Hiến Lê, việc đọc sách cũng phải có phương pháp đúng, hòng thu lượm được tốt kiến thức. Đời viết văn của tôi ghi: “Khi đọc tôi luôn luôn có một cây bút chì để đánh dấu những chỗ đáng nhớ hoặc có thể dùng tới sau này; cuốn nào thường phải đọc lại thì tôi ghi những ý quan trọng cùng số trang trên mấy trang để trắng (page de garde) ở đầu sách”.

Bởi vậy, nếu có cầm cuốn sách cũ nào đó, thảng thấy có dấu gạch, ghi chú của chủ cũ, ta hẳn biết đó là người đọc sách chăm chú thực sự. Chỉ có điều, dùng bút chì thay vì bút bi, bút máy như “đam thư” này thì giữ gìn sách được tốt hơn, thẩm mỹ hơn.

Đối xử với sách, Nguyễn Hiến Lê cũng lưu ý lắm vì bản thân ông quan niệm “sách đối với tôi còn quan trọng hơn cái cày đối với người làm ruộng, cái búa cái đe đối với thợ rèn”. Sách nhiều không thể làm thẻ phân loại được, dẫn tới khi cần có lúc tìm không thấy, vì thế nhà nghiên cứu này để riêng những sách thường hay dùng, sắp xếp theo từng loại “không cho ai mượn, vợ con muốn coi cũng phải hỏi tôi”.

Đinh Gia Trinh đọc sâu, bàn kỹ

Là một thành viên của nhóm Thanh Nghị, Đinh Gia Trinh đọc nhiều, có nhiều bài bình sách xác đáng, kỹ lưỡng bao quát nhiều lĩnh vực từ văn học, giáo dục đến lịch sử.

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Hiến Lê và những cuốn sách 'không cho ai mượn"

Học giả Nguyễn Hiến Lê bên bàn làm việc hè năm 1970 ẢNH: TÔ LỆ HẰNG

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Hiến Lê và những cuốn sách 'không cho ai mượn"

Bài bình sách Đọc cuốn “Đại Nam văn học lịch sử” với bút danh Diệu Anh của Đinh Gia Trinh trên Thanh Nghị số 3, tháng 8.1941 ẢNH: TƯ LIỆU

Đọc nhiều, đọc kỹ và có nhận định, lý luận riêng nên những bài bình sách của Đinh Gia Trinh có đủ khen chê toàn diện. Trên tạp chí Thanh Nghị, thường xuyên bắt gặp những bài bình sách của ông. Khen Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim, nhưng Đinh Gia Trinh cũng có góp ý “vài điều chưa được hoàn toàn lắm” về phương pháp của tác giả khi thực hiện công trình (Đọc cuốn “Việt Nam văn phạm” của ông Trần Trọng Kim, Thanh Nghị số 2, tháng 7.1941).

Chưa vừa lòng với tác phẩm Đại Nam văn học lịch sử khi cho rằng tác giả Nguyễn Sỹ Đạo làm việc này chưa hợp thời vì văn học sử Việt Nam chưa có nền nếp vững, chưa vừa lòng khi tác giả tự tạo khuôn khổ phổ thông cho một tác phẩm nghiên cứu nhưng nhà phê bình họ Đinh vẫn thấy những điểm tích cực nơi tác phẩm khi viết gọn ghẽ, minh bạch, chú dẫn khoa học, ý kiến xác đáng về những vấn đề có tính lịch sử… (Đọc cuốn “Đại Nam văn học lịch sử“, Thanh Nghị số 3, tháng 8.1941)… Đọc sâu, bàn kỹ như thế, chỉ có thể là người kỹ lưỡng, trân trọng tác giả, tác phẩm đó thôi.

Người yêu sách, ham đọc, thường say sách cả. Nhà thơ Phạm Văn Hạnh (1913 – 1987) của nhóm Xuân Thu Nhã tập cũng không ngoại lệ. Trong tập hồi tưởng Những gương mặt mến yêu, Nguyễn Xuân Sanh lưu giữ ký ức đẹp về người bạn của mình: “Hạnh là người trí thức hay đi tìm sách để đọc. Sau đó, Phạm Văn Hạnh thường cùng đến ngồi với tôi trên một góc bàn Thư viện Trung ương tìm đọc sách văn thơ nước ngoài mà chúng tôi cho là tuyệt tác. Cùng nghiền ngẫm những trang luận văn về sáng tác thơ của Malácmê [Mallarmé], Pôn Valêry [Paul Valéry]”. (còn tiếp

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img