Bầu trời của những ngày hòa bình
Ngày nhận tin phóng viên báo chí được đồng hành cùng biên đội trực thăng của Quân chủng Phòng không – Không quân bay từ sân bay quân sự Biên Hòa vào trung tâm TPHCM, trong khuôn khổ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi vui đến không ngủ được.
Từ 4 giờ sáng 22-4, hàng chục phóng viên đã có mặt tại khu vực sân bay, háo hức quan sát từng công tác chuẩn bị bay của phi công và đội ngũ kỹ thuật. Đúng 7 giờ, chúng tôi được hướng dẫn ra trực thăng. Mọi người làm quen với phi công và tổ kỹ thuật. “Các bạn ăn sáng đầy đủ chưa, uống nước vào, bay hơi mệt đó, nhất là chị em phụ nữ chú ý nhé”, mấy anh ở tổ kỹ thuật đưa nước cho chúng tôi, dặn dò.
Khoảng 8 giờ, chúng tôi chuẩn bị xong mọi công tác để sẵn sàng lên trực thăng. Mọi người chọn cho mình chỗ ngồi ưng ý và chuẩn bị máy tác nghiệp. Đội ngũ kỹ thuật, phi công nhắc nhở phóng viên vị trí đứng và các quy tắc an toàn bay.
Tôi bước lên máy bay, hít một hơi thật sâu rồi nhắn tin về cho gia đình: “Ba mẹ ơi, 30 phút nữa lên sân thượng xem máy bay bay về thành phố nhé!”. Đúng 8 giờ 30 phút, chiếc trực thăng Mi-17 mang số hiệu 7839 bắt đầu bay lên cao, mang theo muôn vàn cảm xúc của tất cả chúng tôi. Cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng…
“Ngồi trên chiếc Mi-171, ngước nhìn ngọn cờ Đảng tung bay trên bầu trời TPHCM lòng đầy tự hào. Ngọn cờ Đảng như chắp cánh cho những khát khao sáng tạo”, Thanh Chiêu, Báo Sài Gòn Giải Phóng bộc bạch. Ảnh: THU HOÀI
Trước ngày bay, đã không biết bao nhiêu lần tôi thử nhắm mắt và mường tượng về một TPHCM thu nhỏ sẽ xinh đẹp đến như thế nào. Chúng tôi cũng đã nghĩ sẵn những câu chữ mà mình sẽ viết: miêu tả về những tòa nhà chọc trời, dòng xe cộ tấp nập và những dòng sông uốn lượn quanh thành phố…
Nhưng khi ở đây, tận mắt chứng kiến thành phố của chúng ta hiện ra đẹp đẽ, rạng ngời thì chúng tôi không thể miêu tả thành lời… Trực thăng đưa chúng tôi bay qua những địa danh quen thuộc của thành phố, những nơi chúng tôi từng đi qua hàng ngàn lần, nhưng hôm nay lại nhìn với một cảm giác hoàn toàn mới mẻ.
Gần 9 giờ, trực thăng bay ngang Hội trường Thống Nhất – tòa nhà biểu tượng cho sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước cách đây 50 năm; vút qua những tòa nhà cao tầng và qua những dòng sông của thành phố. Các tòa nhà chọc trời, khu thương mại hiện đại, những con đường rộng lớn, nhộn nhịp – tất cả là minh chứng sống động nhất cho sự chuyển mình của thành phố mang tên Bác, từ những ngày khó khăn sau chiến tranh đến một TPHCM năng động, sáng tạo và phát triển không ngừng nghỉ.
Là phóng viên trẻ và lần đầu tiên ngồi trên chiếc phi cơ quân sự, tiếng động cơ ầm ầm cùng tốc độ gió lớn từ nhiều hướng khiến chúng tôi có lúc choáng váng. Ống kính máy ảnh phải luôn bám sát tốc độ di chuyển của trực thăng và đội hình bay trước, sau nên chúng tôi cố gắng đứng đúng vị trí tác nghiệp và đảm bảo công tác an toàn đã được dặn dò. Trên trực thăng, đội ngũ kỹ thuật cũng thường xuyên lưu ý an toàn và giúp chúng tôi đảm bảo có vị trí tác nghiệp thuận lợi nhất.
Kết thúc chuyến bay an toàn về lại sân bay quân sự Biên Hòa, bước xuống trực thăng, Thượng tá Hà Văn Ngọc (Chủ nhiệm dẫn đường Trung đoàn Không quân 916) cười rạng rỡ. Anh nói: “Thấy anh chị em phóng viên đầy nhiệt tình, có cảm xúc chân thật để tác nghiệp, truyền lại tình cảm và sự quan sát ấy qua con chữ, hình ảnh, clip đến hàng triệu đồng bào là chúng tôi đã làm tốt thêm một nhiệm vụ được giao”.
Kể những câu chuyện về đất nước từ trên cao
Có một người, suốt 20 năm qua đã ngồi bên cánh cửa trực thăng, cùng các Trung đoàn Không quân bay từ mũi Cà Mau đến vịnh Bắc bộ, từ Nam ra Bắc để ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp của đất nước qua ống kính máy ảnh. Đó là nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn.
Hôm qua, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn vẫn giản dị trong chiếc áo ghi lê màu xanh bộ đội, chiếc mũ lưỡi trai và tai nghe giảm tiếng ồn. Ngồi cạnh cửa máy bay, thắt dây an toàn, ông chia sẻ với chúng tôi cảm xúc của một người đã “bay” gần 20 năm để kể chuyện đất nước từ trên cao…
Cách đây 15 năm, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn có mặt trên trực thăng của Không quân nhân dân Việt Nam trong chuyến bay nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dịp này, ông tiếp tục có mặt trên chuyến bay huấn luyện từ TP Biên Hòa về TPHCM, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Khi bay qua không phận TPHCM, lòng tôi tràn đầy cảm xúc. Tôi đi qua dọc dài đất nước, chứng kiến bao đổi thay của mọi miền Tổ quốc. Và trong dịp đặc biệt như hôm nay, 20 năm ngồi cửa trực thăng đủ để tôi chứng kiến một TPHCM từ miền ngoại thành trở nên sầm uất, từ phố xá, nhà cửa, cầu cống… đều phát triển nhộn nhịp, tươi đẹp. Thành phố mình đẹp quá!”, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn bày tỏ.
Máy bay trực thăng mang Quốc kỳ Việt Nam bay qua bầu trời TPHCM, tạo điểm nhấn ấn tượng cho lễ diễu binh vào ngày 30-4-2025. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chia sẻ với chúng tôi, phóng viên ảnh Hoàng Triều (Báo Người Lao Động) xúc động: “Tôi may mắn khi có nhiều cơ hội bay trực thăng trong những lần tác nghiệp, nhưng những chuyến bay trong những ngày tháng Tư lịch sử này thật sự là một dấu mốc khó quên”.
Xuống trực thăng, anh Hoàng Triều cứ ngồi ngắm đi ngắm lại những bức hình trực thăng treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc đỏ rực bay ngang những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố. “Khi đội hình trực thăng kéo cờ Tổ quốc và cờ Đảng vượt qua sông Sài Gòn, lao về trung tâm thành phố, lúc đó tim tôi đập mạnh như lần đầu cầm máy ảnh – đó là vinh dự, là niềm kiêu hãnh. Chúng tôi bay qua những biểu tượng của TPHCM như Hội trường Thống Nhất, Bitexco, Landmark 81 và cầu Ba Son…”.
Sau gần 2 giờ ngồi trên trực thăng, gió mạnh làm mắt chúng tôi đỏ hoe và tai gần như ù đi vì tiếng động cơ cực lớn. Thế nhưng, tất cả dường như không là gì cả khi nhìn lại những bức hình đã chụp, được ngắm nhìn thành phố của chúng ta đang tươi đẹp rực rỡ nhường nào…