Các doanh nghiệp đang ở giai đoạn đặc biệt khó khăn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tạm thời hoãn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Dự thảo quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường được dư luận đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ về thực tế hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống trong đó có các doanh nghiệp nước giải khát hiện đóng góp khoảng trên 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách Nhà nước, chiếm gần 3% tổng thu ngân sách, chưa kể tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và ổn định an sinh xã hội.
Ngoài ra, ngành nước giải khát thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Coca-cola, Suntory PepsiCo… và cả vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, là động lực cần hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng thì bế tắc, giá nguyên vật liệu tăng thậm chí lên tới ba, bốn mươi phần trăm. Nhiều doanh nghiệp, số lượng lao động cũng giảm đi, rồi thu nhập thì giảm xuống và tình hình khó khăn chúng tôi thấy rất là nghiêm trọng.
Nếu không có chính sách thuế hợp lý, việc đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng và duy trì dòng vốn đầu tư sẽ gặp rất nhiều thách thức. Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc kỹ lưỡng, chưa nên bổ sung nước giải khát có đường và đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mặc dù việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt là hết sức cần thiết nhưng cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng thu thuế như trường hợp nước giải khát có đường trong bối cảnh mới hiện nay.
Ông Hòa kiến nghị, trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn, các chính sách cũng nên cân đối, đồng thuận, đồng chiều.
Đại biểu chia sẻ lo ngại khi mà Việt Nam đang đàm phán với Hoa Kỳ để cắt giảm thuế quan nhưng lại tăng các biện pháp phi thuế quan như tăng thuế VAT hay thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc cắt giảm thuế quan.
Cũng theo ông Hoà, ần hiểu kỹ thực trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam, các nguyên nhân, cơ sở để có giải pháp toàn diện, hiệu quả. Khi chưa có đủ cơ sở chắc chắn dựa trên các nghiên cứu khoa học toàn diện thì chưa nên mở rộng, bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng quan điểm, Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sức cầu tiêu dùng còn rất yếu. Bởi vậy, cần lưu ý tác động đối với phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế, chẳng hạn như nước giải khát có đường thì cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sức cầu tiêu dùng còn rất yếu.
Dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cần có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, có cơ sở khoa học và sát thực tiễn, không nên “tận thu” mà nên nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, phối hợp, đồng bộ và nhất quán nhiều chính sách mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững và mục tiêu chính sách thuế đề ra.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hiện nay Chính phủ đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế VAT và tiền thuê đất. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tạm thời hoãn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn