Saturday, April 26, 2025

Cần quy hoạch mới cho TP.HCM sau sáp nhập

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đều có quy hoạch riêng, không đồng bộ.

Ngày 25.4, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm về quy hoạch TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đều có quy hoạch riêng, không đồng bộ. Sau sáp nhập, việc lập quy hoạch mới là bắt buộc để đảm bảo quản lý, phát triển thống nhất và kịp thời triển khai cho giai đoạn 2025 – 2030.

Các quy hoạch hiện hành

Theo quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM xác lập mục tiêu trở thành trung tâm tài chính – kinh tế quốc tế, đầu tàu phát triển công nghệ cao, đô thị thông minh và kinh tế số của cả nước và khu vực. Thành phố tập trung phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, bền vững, với mạng lưới giao thông kết nối qua Vành đai 3, Vành đai 4 và các trục xuyên tâm, hướng đến không gian phát triển theo trục sông Sài Gòn và mở ra hướng biển. TP.HCM đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt từ 13.000 – 14.000 USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm dao động khoảng 8 – 8,5%. Ngoài ra, TP.HCM cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt về chuyển đổi số, cải cách hành chính và hệ thống logistics toàn diện.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương xây dựng định hướng phát triển gắn chặt với trục công nghiệp và đô thị thông minh. Quy hoạch tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu trở thành thành phố thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam bộ. Bình Dương ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và đô thị hóa nhanh theo các cực tăng trưởng trọng điểm như Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh là mục tiêu kinh tế số đóng góp ít nhất 30% vào GRDP năm 2030, cao hơn nhiều so với TP.HCM. GRDP bình quân đầu người cũng hướng đến ngưỡng 13.000 – 14.000 USD như TP.HCM. Tuy nhiên, Bình Dương có lợi thế về quỹ đất công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh, tạo động lực mạnh mẽ cho mô hình “vùng vệ tinh” kết nối với TP.HCM qua mạng lưới vành đai.

Cần quy hoạch mới cho TP.HCM sau sáp nhập

TP.HCM mới cần một quy hoạch tổng thể hướng đến sự phát triển toàn diện

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Còn Bà Rịa-Vũng Tàu có chiến lược quy hoạch mang màu sắc rất riêng, định vị là trung tâm logistics, cảng biển và công nghiệp xanh ven biển phía nam. Tỉnh tập trung phát triển trục cảng Cái Mép – Thị Vải, hướng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái kinh tế biển hiện đại. Đồng thời, du lịch biển và năng lượng tái tạo cũng là hai trụ cột kinh tế quan trọng. Về chỉ tiêu kinh tế, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 14.000 USD, với tốc độ tăng trưởng 8 – 8,5%/năm, tương đương TP.HCM. Tuy nhiên, cơ cấu không gian phát triển của tỉnh chủ yếu trải dọc ven biển, hướng ra khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, ít phụ thuộc vào đô thị trung tâm như TP.HCM hay Bình Dương.

Có thể thấy, ba đồ án quy hoạch của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đều có nền tảng phát triển vững chắc, phù hợp với đặc điểm riêng và thế mạnh từng địa phương. Tuy nhiên, để tiến tới mô hình quy hoạch cấp tỉnh thống nhất, tránh chồng chéo và phân mảnh không gian sau sáp nhập, cần có một khung pháp lý và chiến lược quy hoạch tích hợp mới, làm rõ vai trò từng vùng động lực, tổ chức không gian hợp lý, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số. Quan trọng hơn, quy hoạch tích hợp trong tương lai còn phải hướng đến hiệu quả quản trị liên vùng, thích ứng với biến đổi KT-XH, tận dụng tối đa lợi thế so sánh của từng khu vực.

Gợi mở cho TP.HCM mới

Tại tọa đàm, các đại biểu đề xuất quan điểm, định hướng phát triển không gian lãnh thổ của TP.HCM mới. Đồng thời, các địa phương phải có lộ trình thực hiện các công việc (trước mắt, trung hạn và dài hạn) sau khi chính thức sáp nhập liên quan đến quy hoạch.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, nhận định: “Việc nhập 3 địa phương không phải là thực hiện phép cộng mà là phép nhân để phát triển một siêu đô thị mà không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta phải tính toán lại về lợi thế của địa phương, hệ thống không gian đô thị, hạ tầng kết nối… Mục tiêu lớn nhất mà Đảng, Nhà nước đang tập trung là phát triển 2 con số, do đó, tôi kiến nghị tiếp tục áp dụng Nghị quyết 98 đối với toàn bộ TP.HCM mới sau sáp nhập”.

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đồng tình với ý kiến nếu kết nối đồng bộ được hạ tầng, phân định được lợi thế không gian phát triển đô thị và tạo ra những chuỗi logistics tốt thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho địa phương. Bà Thục nhìn nhận sau sáp nhập 3 tỉnh thành, chính quyền cần hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch, giữ được sự lưu thông của mô hình hiện hữu, đừng vội xáo trộn và phối hợp liên vùng để phát triển bền vững. Đồng thời, TP.HCM mới sau sáp nhập phải tạo ra “vùng xanh”, “vùng đổi mới sáng tạo” để người dân có thể ở tại chỗ mà vẫn tạo ra kinh tế chất lượng cao.

“Một vấn đề khác là quy hoạch đô thị, phải đưa phát triển đô thị làm đầu tàu kinh tế. Tôi cho rằng việc nghiên cứu đầu tiên dành cho TP.HCM mới phải là bảo tồn và mở rộng khung tự nhiên. Đô thị muốn làm ra tiền phải là đô thị sinh thái, như thế mới thu hút đầu tư quốc tế”, bà Thục nói.

Còn TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), đề cập vấn đề cần có công cụ xứng tầm để phù hợp cấu trúc thể chế và quản trị vùng mới. Trong đó, công cụ quản lý số là yếu tố quyết định thành bại của mô hình quản trị mới, với địa bàn rộng và bộ máy tổ chức chính quyền 2 cấp mới hoàn toàn. Theo ông Tuấn, công cụ quản lý số cho phép chính quyền thành phố tiếp cận nhanh, toàn diện thông tin từ cấp phường xã. Từ đó, lãnh đạo với sự hỗ trợ của công cụ số sẽ có tầm nhìn chiến lược, ra quyết định kịp thời về quản lý, đầu tư phát triển, tạo ra tính đột phá của đô thị.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img