Sunday, April 27, 2025

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Huy Tưởng tìm mình qua sách

“Có khi đọc sách mà chỉ đọc một quyển như Ẩm băng [của Lương Khải Siêu] rồi nghiền ngẫm học tập và suy tư, người ta cũng có thể trở nên một người thông suốt”, Vũ Bằng chiêm nghiệm việc đọc như thế trong tác phẩm Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp.

Anh Thơ đọc sách đêm ngày

Tái sinh duyên, Song phượng kỳ duyên, Anh hùng náo, Tục Anh hùng náo, Tây du, Đông Chu liệt quốc… là những tác phẩm được nữ sĩ Anh Thơ điểm tên về sách đã đọc thời tuổi trẻ; chưa lập thân, lập danh với thơ ca, cô gái đất Bắc Giang đã “đọc ngấu nghiến đêm ngày”, theo hồi ký Từ bến sông Thương.

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Huy Tưởng tìm mình qua sách

Nguyễn Huy Tưởng năm 1936, khi 24 tuổi Ảnh: Tư liệu

Còn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời thanh niên cũng đọc nhiều sách để bổ túc kiến thức và tìm mình qua những trang sách. Trong Nhật ký đến với văn chương và cách mạng, nhà văn chia sẻ nhiều chi tiết liên quan đến việc đọc với những mốc thời gian, cảm xúc, nhận xét cụ thể ứng với thời điểm sự việc, như ngày 2.11.1930, “tôi xem xong một quyển ái tình luân lý xã hội tiểu thuyết là Résurrection [Phục sinh] của nhà danh sĩ [Lev Tolstoi] nước Nga soạn”. Đọc, rồi cảm thụ, ấy là việc cần thiết của kẻ đọc sách có mục đích, như với tác phẩm kia đã khiến Nguyễn Huy Tưởng “cảm động từ đầu chí cuối, lại thêm cái luân lý khuyên ta nên lấy đạo sửa mình làm gốc, khuyên ta nên chọn cơ hội để mà cứu người, giúp đỡ người làm điều phải, khuyên ta nên bỏ những tính ích kỷ độc ác gian giảo; tư tưởng rất cao thượng, khiến cho tôi đọc xong cuốn tiểu thuyết này, trong trí sinh ra một cái ý muốn rất hay, là ý muốn làm lành”.

Nhiều tác phẩm kinh điển của văn chương, kịch nghệ, tư tưởng trong nước, thế giới đã qua đôi mắt cảm thụ của chàng trai họ Nguyễn dạo ấy với mốc thời gian được ghi chép tuần tự. Đọc Le Cid của Corneille ngày 25.12.1930, xem sách của Nam Phong tùng thư ngày 4.1.1933, đọc và suy nghĩ về Hamlet của Shakespeare, Athalie của Racine ngày 27.1.1933, đọc và nghiền ngẫm, suy luận về Trung dung, cảm thán “sách Trung dung sao mà huyền diệu cao xa làm vậy” ngày 19.3.1933… Từ những kiến thức đông tây kim cổ tích lũy ấy mà sau này, độc giả được thưởng lãm những Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… từ một ngòi bút tài hoa.

Hồi ký Tự họa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả nhạc phẩm Dư âm, kể năm 1948, khi đang hoạt động ở Liên khu IV, nhờ có người nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ nội thành gửi ra những cuốn sách quý như Harmoinie của Dubois, Contre point của Kochelin trong điều kiện khan hiếm sách vở, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Lê Yên và Nguyễn Văn Tý đã chép lại thành ba cuốn như sổ bỏ túi để phòng bom đạn hoặc mất, lấy đó làm tư liệu tham khảo để thuyết trình, thảo luận. Qua trường hợp này, thấy rằng sách càng ít càng được trân quý, dĩ nhiên, đó phải là sách hay.

Đào Duy Anh từ nhỏ thuộc lòng thơ nôm

Dệt những sợi vàng: Nguyễn Huy Tưởng tìm mình qua sách

Tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương (bản in năm 1951) của GS Đào Duy Anh Ảnh: Trần Đình Ba

Để lại cho đời nhiều tác phẩm khảo cứu văn hóa, lịch sử, từ điển, chủ trì tủ sách Quan hải tùng thư khi còn trẻ…, sức đọc của Vệ Thạch Đào Duy Anh thực sự đáng nể. Xem hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, ta biết được cơ duyên với sách vở của ông.

“Ở nhà thì từ bé tôi đã được nghe mẹ tôi thường kể thuộc lòng những truyện nôm xưa, từ Kiều, đến Nhị Độ Mai, Tống Trân, Thạch Sanh, Hoàng Trừu, Phạm Công Cúc Hoa, Phương Hoa Phạm Tài”. Nghe chưa thỏa, đến khi đi học, biết chữ quốc ngữ và chữ Pháp, Đào Duy Anh xin mẹ mua đọc những truyện xưa bằng chữ nôm, chữ quốc ngữ mỗi khi thấy gánh sách rong đến chợ nhà.

Buổi đầu bước vào đời với nghề dạy học nơi tỉnh lỵ Quảng Bình năm 1923, nhà nghiên cứu họ Đào càng ý thức rõ ràng mục đích của việc đọc sách “chỉ biết chăm chỉ dạy học và đọc sách mà học thêm để mở mang tri thức”. Thế nên ở đâu có sách, ở đó như có ngọc quý để ông giáo trẻ tìm đến. Khi vào đất Tourane (Đà Nẵng), Đào Duy Anh đã trọ tại một nhà dân chài chỉ để làm một việc “ở đây trong cảnh tĩnh mịch tôi có thể đọc sách suốt ngày, vừa nghe tiếng ru của phi lao và sóng biển”.

Làm ở đâu, vị trí nào, gần như sách vở cũng gắn với tác giả của Việt Nam văn hóa sử cương. Bước đường hoạt động về sau đã thực chứng điều ấy. Làm báo Tiếng dân với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh mua sách tiếng Pháp ở Sài Gòn, sách chữ Hán ở Chợ Lớn để xây dựng tủ sách cho đội ngũ biên tập của báo với toàn những đầu sách thiết thân, giá trị như Duy vật sử quan, Kinh tế sử quan, Nhân loại tiến hóa sử… Nào đã hết, năm 1928-1931 tủ sách Quan hải tùng thư được ông chủ trương thành lập, xuất bản nhiều đầu sách giá trị, lại cùng vợ mở hiệu sách Vân Hòa tại Huế.

Sau này khi theo nghiệp nghiên cứu, Đào Duy Anh còn có tiếng là một trong ba người có tủ sách lớn ở đất Huế. Điều ấy được Đào Đăng Vỹ đề cập trong phần “Tựa” của tác phẩm Nguyễn Tri Phương: “Trước năm 1945, ở Huế người ta thường đồn có ba nhà có sách nhiều nhất: đó là Phạm Quỳnh có những tủ sách rất quý cả bằng Hán văn, Việt văn và Pháp văn rồi đến Đào Duy Anh có nhiều sách Việt và tài liệu chữ Hán, thứ ba là tôi có nhiều sách Việt và Pháp văn nhất”. 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img