Saturday, April 26, 2025

Tăng huy động vốn từ dân cư để tăng trưởng tín dụng

Các ngân hàng hiện đẩy mạnh thu hút tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán của người dân thông qua tối ưu lợi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm, nhiều ngân hàng đang phải đối diện với thách thức kép. Đó là tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm, trong khi vẫn phải đảm bảo nguồn vốn cho vay. Điểm sáng là tiền gửi khu vực dân cư với mức tăng trưởng 1,74% tương đương 123.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, hết quý I, tổng tiền gửi vào hệ thống vẫn đang giảm so với cho vay ra. Bài toán đặt ra là sao đảm bảo thanh khoản hệ thống, kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 16,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,9%. Tuy nhiên, huy động vốn trên toàn quốc chỉ đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tức là chênh lệch giữa huy động và cho vay của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 625.000 tỷ đồng.

Cứ huy động được 9 đồng, ngành ngân hàng đang phải cho vay ra 10 đồng, phần thiếu hụt đang phải sử dụng cả vốn tự có và phần tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết: “Từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ cần một lượng vốn rất lớn, tương đương khoảng 35-37% GDP, tức là khoảng 4-5 triệu tỷ đồng hàng năm trong thời gian tới. Rõ ràng, đây là lượng vốn không nhỏ”.

Tăng huy động vốn từ dân cư để tăng trưởng tín dụng

Điểm sáng là tiền gửi khu vực dân cư với mức tăng trưởng 1,74% tương đương 123.000 tỷ đồng/tháng

Do đóng góp hơn 50% vốn cho nền kinh tế, nên các ngân hàng hiện đẩy mạnh thu hút tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán của người dân thông qua tối ưu lợi suất tiền gửi không kỳ hạn. Điều này giúp khách hàng linh hoạt chi tiêu mà vẫn hưởng lợi suất lên đến 4,3% một năm.

Chị Nguyễn Diệu Quỳnh – Chủ quán Cà phê Crafty Cup chia sẻ: “Tiền sinh sôi ra được những phần lợi tức rất cao, so với tiết kiệm thông thường, tôi gửi kỳ hạn dài cũng tối ưu dòng tiền cho chúng tôi, rõ ràng và minh bạch”.

Nhờ giải pháp sinh lời mỗi ngày từ chính tài khoản thanh toán, nhiều ngân hàng đã nâng được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lên 30%, thậm chí 40%, góp phần tối ưu chi phí vốn để hạ lãi suất cho vay.

Ông Hồ Vân Long – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) nêu ý kiến: “Dù họ là người làm công ăn lương, là nhà đầu tư, là người mở các tiệm kinh doanh hay các chủ công ty, họ luôn luôn có dòng tiền nhàn rỗi và được luân chuyển tối ưu. Đó là cơ sở để chúng tôi giảm chi phí vận hành, giảm giá vốn đầu vào và có cơ sở để giảm lãi suất đầu ra cho khách hàng”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: “Tiền gửi của mình ở ngân hàng luôn luôn tạo ra mức sinh lời hấp dẫn. Thậm chí đẩy mạnh khả năng nguồn lực về tài chính của ngân hàng, đáp ứng vốn cho nhu cầu của nền kinh tế”. 

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục bơm ròng qua thị trường mở, mua giấy tờ có giá kỳ hạn hơn 3 tháng để hỗ trợ vốn dài hạn hơn, tăng thanh khoản hệ thống, kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế để có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay.

Nguồn: vtv.vn

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img