Khi nước Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa, điều này không chỉ là vấn đề của một quốc gia – đó là lời cảnh báo toàn cầu về “sự trở mình” trong chính sách bảo hộ.
Doanh nhân Trần Xuân Mới, CEO Công ty Tư vấn và Quản lý ATM
Doanh nhân Trần Xuân Mới, CEO Công ty Tư vấn và Quản lý ATM:
Thuế đối ứng (retaliatory tariff) là mức thuế được áp dụng bởi một quốc gia như một phản ứng có điều kiện nhằm đáp trả việc bị đánh thuế cao từ phía quốc gia khác. Nó không phải là sự trả đũa nóng giận, mà là một nước cờ phòng thủ chiến lược.
Thuế đối ứng khiến giá nguyên liệu, máy móc, linh kiện tăng cao – đặc biệt nếu vẫn phải nhập khẩu từ quốc gia bị đánh thuế, nguy cơ leo thang thương mại nếu đối phương tiếp tục “ăn miếng trả miếng”. Trong khi đó, doanh nghiệp bị kẹt giữa hai gọng kìm: thiếu đầu vào và thị trường tiêu thụ khó mở rộng.
Tuy nhiên, thuế đối ứng cũng mang lại mặt tích cực nhất định. Đặc biệt là doanh nghiệp nội địa có cơ hội bật dậy, phục hồi sản xuất, kiích thích đổi mới chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, Nhà nước khẳng định vị thế bảo hộ hợp lý cho doanh nghiệp.
Để hạn chế tác động tiêu cực, doanh nghiệp cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng: tìm nguồn cung mới, đa dạng hóa nhà cung cấp. Đồng thời, chuyển hướng thị trường. Nếu thị trường Mỹ bị rào cản, cần đẩy mạnh sang EU, Đông Nam Á, Trung Đông…
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động làm việc với các hiệp hội ngành để cập nhật chính sách sớm. Song song đó, chuyển đổi công nghệ & tăng giá trị nội địa hóa – ít phụ thuộc nhập khẩu.
Việc bị áp thuế đối ứng cao cũng là bài học dành cho doanh nghiệp lớn và nhỏ. Thực tế, không có quốc gia nào “bảo kê mãi mãi” cho doanh nghiệp. Chỉ có chiến lược của doanh nghiệp mới bảo vệ được mình. Vì vậy, doanh nghiệp lớn cần có phòng chiến lược ngoại thương nội bộ, không thể chỉ “đợi báo cáo từ VCCI hay bộ ngành”. Còn doanh nghiệp nhỏ cần học cách liên minh, tận dụng cụm ngành để mua chung – bán chung – đàm phán chung.
Tư duy “đơn thân độc mã” là con đường ngắn nhất dẫn tới… bị đào thải. Doanh nghiệp cần phải hiểu rằng, thuế đối ứng không phải là cú đánh – nó là tấm khiên. Nhưng nếu doanh nghiệp không biết né, không biết chuyển mình, thì bị đồng minh giẫm chân cũng đau như bị đối thủ đánh trúng.
Là doanh nhân, hãy xem thuế là một phần trong bàn cờ chiến lược – không phải là rào cản, mà là dấu hiệu để bạn lập lại chiến tuyến thông minh hơn. Vì sau cùng, không ai thắng được cuộc chơi toàn cầu nếu mãi đóng vai “nạn nhân” – thay vào đó, hãy là người biết điều chỉnh và sống sót đầu tiên.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn