Monday, April 28, 2025

Giải pháp tăng sức cạnh tranh cho cảng biển Nghệ An

Bên cạnh những nỗ lực gia tăng chính sách hỗ trợ thì việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng biển là điều cấp thiết, được chính quyền tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm.

Năm 2025, Nghệ An thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, chính quyền tỉnh này vẫn đang nỗ lực hết sức thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà cho bước phát triển mới. Một trong số đó là tiếp tục “khơi thông” hệ thống cảng biển, cụ thể là cảng Cửa Lò.

Chuyển biến từ một Nghị quyết

Quay trở lại cách đây hơn 1 năm về trước, Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Giải pháp tăng sức cạnh tranh cho cảng biển Nghệ An

Các chính sách hỗ trợ đã giúp Nghệ An đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc thu hút dòng hàng container qua cảng Cửa Lò.

Cụ thể, Nghị quyết số 03 quy định mức hỗ trợ đối với hàng tàu biển vận container đi, đến Cảng Cửa Lò, nếu vận chuyển quốc tế 300 triệu đồng/chuyển, vận chuyển container nội địa 100 triệu đồng/chuyến. Tương tự, doanh nghiệp có hàng hóa xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến Cảng Cửa Lò loại container 20 feet là 0,6 triệu đồng/container và loại container 40 feet là 1 triệu đồng/container.

Đây được xem là động thái tích cực của chính quyền tỉnh Nghệ An nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế giao thương xuất, nhập khẩu, qua đó tạo bước đột phá mới trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thực tế cũng cho thấy, chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Nghệ An đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc thu hút dòng hàng container qua cảng Cửa Lò.

Nhiều hãng tàu đã đặt vấn đề hợp tác với cảng để mở tuyến, trong đó có cả tuyến quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã chủ động hơn trong việc sử dụng dịch vụ logistics tại chỗ, tiết kiệm chi phí, thời gian. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện, tạo dựng niềm tin với các đối tác trong và ngoài nước.

“Số lượng container tăng từ 69.098 tấn năm 2023 (thời điểm chưa có chính sách hỗ trợ) lên 75.340 tấn, tăng 10%. Trong năm 2024, có 2 hãng tàu và 6 doanh nghiệp tham gia chính sách, được hỗ trợ với tổng kinh phí là 23,765 tỷ đồng, đạt 99,8% tỷ lệ giải ngân”, ông Lê Tiến Trị – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thông tin.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Vilaconic đánh giá: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An, nhất là công tác hỗ trợ tài chính kịp thời không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách thuận lợi, mà còn góp phần củng cố thêm niềm tin, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển logistics trên địa bàn Nghệ An.

“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp ngành, chính quyền tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng cách đơn giản hoá thủ tục hành chính và tạo cơ chế, chính sách ưu đãi dài hạn. Đặc biệt là đầu tư kinh phí để nạo vét luồng lạch hàng năm, đảm bảo ra, vào cảng an toàn, xây dựng bãi container hậu cảng, đỡ chi phí lưu kho bãi…” – vị đại diện này nói thêm.

Giải pháp tăng sức cạnh tranh

Cũng trong khuôn khổ hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Nghệ An diễn ra mới đây, bên cạnh những kết quả nổi bật thì nhiều ý kiến cho rằng, hiện trạng cảng Cửa Lò còn một số điểm hạn chế nhất định khiến cho lượng hàng hóa qua cảng còn ít. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Cửa Lò vẫn chưa thể đáp ứng như kỳ vọng.

Giải pháp tăng sức cạnh tranh cho cảng biển Nghệ An

Doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Nghệ An cần tiếp tục gia tăng chính sách hỗ trợ, dịch vụ logistics, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng biển nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực.

Nguyên nhân được lý giải là bởi, về khách quan, năm 2024, nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, thương mại quốc tế đối mặt với xu hướng bảo hộ thương mại, chi phí logistics tăng mạnh, nhưng các nước khu vực Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển hạ tầng cảng biển và nâng chất lượng dịch vụ logistics nên tăng tính cạnh tranh, thu hút bớt nguồn hàng. Trong khi đó, về mặt chủ quan, nguồn hàng xuất khẩu cũng như hàng nhập khẩu về tỉnh Nghệ An qua cảng còn ít.

Để tiếp tục thu hút container vào cảng Cửa Lò, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đồng thuận đưa ra kiến nghị, đề xuất tỉnh Nghệ An cần xem xét tiếp tục gia hạn hoặc bổ sung chính sách ưu đãi. Cụ thể, tăng mức hỗ trợ từ 300 triệu đồng/chuyến quốc tế lên 450 triệu đồng/chuyến, nâng mức hỗ trợ cho hãng tàu tương đương với các địa phương lân cận như Thanh Hoá, Hà Tĩnh nhằm giữ chân hãng tàu và thu hút thêm các tuyến vận tải.

Bởi, theo lý giải của doanh nghiệp, hiện nay Nghệ An hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu là 600.000 đồng/container 20feet và 1.000.000 đồng/container 40feet, trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ doanh nghiệp từ 2 – 3 triệu đồng/container. Chính sách này giúp Thanh Hóa thu hút mạnh doanh nghiệp logistics, tạo lợi thế cạnh tranh cao.

“Nếu không tăng hỗ trợ, tuyến vận tải có thể chuyển về Thanh Hóa, làm giảm sản lượng container qua cảng Cửa Lò, ảnh hưởng đến doanh nghiệp logistics và ngân sách tỉnh. Để duy trì năng lực cạnh tranh, Nghệ An cần nâng mức hỗ trợ lên 1,5 – 2 triệu đồng/container nhằm thu hút thêm hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu” – đại diện Công ty CP Vilaconic cho hay.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng biển, nạo vét luồng lạch hàng năm và xây dựng bãi container hậu cảng,…. cũng được nhiều doanh nghiệp đưa ra nhằm khơi thông luồng lạch để tàu cỡ lớn và đi tuyến vận tải xa có thể cập bến thuận lợi, giảm bớt chi phí. Ngoài ra, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút hàng nhập khẩu, nhất là về vấn đề thuế nhập khẩu đối với hàng hoá thông quan tại cảng Cửa Lò.

Liên quan đến vấn đề này, Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, tỉnh đang kiến nghị và làm các thủ tục trình Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng đầu tư nâng cấp để cảng Cửa Lò trở thành trung tâm logistics của miền Trung. Giai đoạn 2025 – 2027, đầu tư nạo vét luồng hàng năm, bổ sung thêm vũng quay tàu D 300m nhằm đón các tàu 50.000 DWT, cỡ tàu thường thấy ở các hãng tàu container quốc tế đang khai thác ở các cảng biển Việt Nam và xây dựng bãi container hậu cảng…

Ngoài chính sách và đầu tư cơ bản trên, Nghệ An còn đề xuất một số cơ chế để thu hút hàng nhập khẩu, nhu miễn phí lưu container trong 7 ngày đầu cho hàng nhập khẩu; giảm phí hạ tầng cảng cho doanh nghiệp cam kết nhập khẩu hàng qua Cửa Lò trong ít nhất 3 năm; đẩy mạnh kết nối làm việc với các tập đoàn nhập khẩu lớn trong khu vực để ký kết hợp đồng vận chuyển qua Cửa Lò thay vì Hải Phòng; đề xuất chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thông quan tại cảng Cửa Lò.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img