Cuốn sách của đại tá – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vừa được NXB Kim Đồng ra mắt đúng dịp tháng 4 này giúp chúng ta yêu lịch sử hơn qua tình yêu kính và thương mến những anh hùng – những tâm hồn người phụ nữ miền Nam.
Những tên tuổi lớn anh hùng với dấu ấn trong lòng người và ở khắp nơi. Giờ đây thăm Củ Chi ta sẽ đi qua con đường đẹp nhất mang tên bà má đất thép Nguyễn Thị Rành. Hoặc “Hoàng hậu Đỏ” Nguyễn Thị Rành trên bia đá tại thị trấn Cần Giuộc và tên bà được đặt cho đường phố ở Long An. Bà là ai, đã hy sinh như thế nào?
Đi qua công viên Lê Thị Riêng và một trường học ở TP.HCM ta sẽ nhớ người con gái Bạc Liêu – hoạt động thời Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn bị bắt chở trên một chuyến xe, bọn địch dừng lại bắn chị ngay giữa phố – làm rung chuyển cả trong nước và quốc tế phản đối…
Còn nhiều nữa về 18 cuộc đời gồm cả một số chân dung tầm vóc của văn hóa như nhà văn cao tuổi Xuân Phượng, TS Lê thị Thoa – phu nhân của thượng tướng Trần Văn Trà, bà Nguyễn Thị Châu với mối tình đẹp cùng tử tù Lê Hồng Tư nổi tiếng. Có câu chuyện về tiểu thuyết Áo trắng mà họ là nguyên mẫu. Cuốn tiểu thuyết được dịch ra tiếng Hàn và đã tái bản tới 35 lần thu hút thanh niên với câu chuyện lạ về thân phận cuốn sách tại Hàn Quốc. Một cuốn sách có thời là công trình dịch thuật tập thể nhiều người dịch ráp nối lại. Và trong lần xuất bản chính thức gần đây nhất với sự hợp tác của 2 nhà xuất bản với bản dịch mới của GS – TS Bae Yang Soo – Trưởng khoa Tiếng Việt Trường ĐH Pusan, Hàn Quốc.

Bìa sách Cho mùa xuân ở lại của đại tá – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc ẢNH: NVCC
Cho mùa xuân ở lại: Nghệ thuật kể chuyện sâu lắng và xúc động
Viết chuyện đời, chân dung nhân vật là một thể loại của văn học phi hư cấu (non-fiction) vốn rất ăn khách và được coi trọng ở phương Tây. Thể loại này sẽ phát triển ở Việt Nam, một đất nước trải qua những cuộc chiến tranh lớn, đã chiến thắng can đảm khá lạ lùng. Chắc chắn có nhiều chuyện về con người anh hùng và những số phận đặc biệt.
Nhà văn đại tá Minh Ngọc đã không liệt kê nặng nhọc mà có nghệ thuật kể chuyện với chi tiết lay động. Điều đó làm nên cảm giác sâu lắng và xúc động khi đọc xong cuốn sách.
Bà Bảy Huệ – phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – xưa dẫn cánh quân tấn công ở quận Long Hồ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 bị dìm trong biển máu, đã vượt dòng Măng Thít, bị bắt mấy lần. Đến năm 1946 cuộc đi ra Hà Nội của bà thật ly kỳ: qua Thái Lan, sang Hải Nam, Bắc Hải, Đông Hưng, Móng Cái xuôi Hạ Long về tận sông Cấm, Hải Phòng.
Nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định vì sao được nhà sử học – GS Trần Văn Giàu gọi là “sống làm tướng, chết thành thần”? Còn Bác Hồ nói: “Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy!”.
Đọc sách mới thấy cảnh đau thương đầy hy sinh đời riêng của bà: sau Hiệp định Genève, bà tiễn đứa con trai duy nhất 4 tuổi đi tập kết, không thể ngờ đó là lần cuối. Sau này con trai chết vì bệnh ở miền Bắc những năm chiến tranh đói nghèo. Khi cuối đời, bà về lại miền Nam với hành lý trên vai có bọc tro cốt của con trai, trên vai kia bọc tro cốt nữa của con một người đồng chí…
18 câu chuyện đời – nhiều nhân vật nổi tiếng khác nữa như Võ Thị Thắng với nụ cười chiến thắng nổi tiếng thế giới. Chuyện đời của TS Lê Thị Thoa – phu nhân vị tướng lừng danh Trần Văn Trà. Nữ kiệt miền Đông – anh hùng Hồ Thị Bi đánh giặc ở Hóc Môn từ năm 1945 “không vũ khí”; không được học, ký tên bằng số 131 khiến giặc Pháp kinh hoàng gọi bà là “Madame 131”; xây dựng chiến khu giáp biên giới, bà con Campuchia gọi là “Lục thum Bi”.
Có chuyện đời nữ anh hùng tình báo Mỹ Nhung (Tám Thảo) – con gái Bắc Ninh xinh đẹp học thức – sống ở Sài Gòn làm liên lạc cho nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Chị từng được bác Ẩn đến tận nhà dạy tiếng Anh. Từng chuyển những tài liệu của bác Ẩn được nhận xét là “giá trị tới mức có cả tỉ đô cũng không mua được…”.
Nhà văn Minh Ngọc cho biết ông từ thuở bé đã ngưỡng mộ những bà má miền Nam. Khi thành sĩ quan quân đội đi khắp đất nước càng tiếp xúc càng yêu mến hơn – “họ là hiện thân của đất nước này”.
Cho mùa Xuân ở lại – cái tựa đề thật hay gửi vẻ đẹp con người cho tất cả thanh xuân mai sau.
Nguồn: thanhnien.vn