Trong kho tàng sân khấu VN, những vở diễn mang đề tài, hơi thở cách mạng có một vị trí đặc biệt, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và niềm tin chiến thắng. Trong đó, nhiều vở để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ khán giả.
DẤU ẤN ĐẦU TIÊN
Ra mắt lần đầu vào năm 1975 với tên gọi Trận tuyến ven đô, vở diễn được Đoàn kịch nói Nam Bộ dàn dựng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sau đó được soạn giả Nguyễn Gia Nghiệm chuyển thể thành cải lương và công diễn bởi Đoàn Sài Gòn 1 vào năm 1976. Người ven đô như một ngọn lửa rực cháy, phản ánh tinh thần bất khuất của quân và dân VN trong những năm tháng kháng chiến hào hùng.

Nghệ sĩ Út Trà Ôn và nghệ sĩ Thành Được trong vở Người ven đô ẢNH: TƯ LIỆU
Vở diễn lấy bối cảnh tại vùng đất trồng trầu truyền thống ven đô Sài Gòn – Gia Định trước 1975, với những người dân hiền hòa nhưng luôn sẵn sàng đứng lên vì Tổ quốc. Hai nhân vật trung tâm là ông Tám Khỏe và ông Bảy Đờn, những nông dân chất phác mang trái tim yêu nước. Cuộc sống yên bình của dân làng bị xáo trộn khi chiến tranh ập đến. Cố vấn Mỹ và đồn trưởng – đại úy Tiền tung ra nhiều đòn tâm lý như bắt bớ, đàn áp, hạ nhục thiếu nữ nhằm lung lay tinh thần cách mạng. Chúng ép ông Tám Khỏe thốt lời “ly khai Việt cộng” và dụ dỗ con trai Bảy Đờn theo lính quốc gia. Trong cơn khủng hoảng, ông Tám Khỏe lỡ lời, khiến bà con hoang mang, niềm tin bị lung lay. Ông rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa điên, tự dằn vặt vì cảm giác phản bội lý tưởng. Ông Bảy Đờn không bỏ rơi bạn, ra sức vực dậy tinh thần Tám Khỏe, tạo nên những cảnh diễn xúc động, chạm đến trái tim khán giả.
Dưới sự lãnh đạo của cách mạng – điển hình là cán bộ Sáu Hộ và bí thư Tư Hà, dù điều kiện sống lẫn vũ khí thiếu thốn, nhân dân vùng ven đô vẫn đứng lên. Những mâu thuẫn cá nhân dần được hóa giải, nhường chỗ cho tinh thần đoàn kết trong chiến đấu. Cao trào của vở diễn là những trận chiến khốc liệt, nơi ông Tám Khỏe trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho đồng đội, cùng với đó là những mất mát đau thương khi các chiến sĩ lần lượt hy sinh. Cuộc kháng chiến thắng lợi, người dân 18 thôn Vườn trầu vỡ òa niềm vui thống nhất đất nước.
Tác phẩm khẳng định rằng bất kỳ ai, dù là người dân bình thường, cũng có thể trở thành anh hùng khi đứng lên đấu tranh vì quê hương, đất nước. Đây cũng là sự tri ân dành cho những con người vô danh đã góp phần làm nên lịch sử.

Lê Tứ và Phượng Loan trong vở Người ven đô do Nhà hát Trần Hữu Trang tái dựng ẢNH: H.K
Với sự chuyển thể tài tình của Nguyễn Gia Nghiệm, vở diễn đã giữ được hồn cốt và tiết tấu của kịch nói, đồng thời hòa quyện nét trữ tình đặc trưng của cải lương, tạo nên một tác phẩm vừa hùng tráng vừa sâu lắng.
Sức hút của Người ven đô còn đến từ dàn nghệ sĩ tên tuổi như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Nam Hùng… Nhiều người đã có những vai diễn để đời. Thành Được vai Bảy Đờn, Út Trà Ôn vai Tám Khỏe, với chất giọng trầm ấm, trữ tình mà khỏe khoắn đã khắc họa thành công hình ảnh người nông dân miền Nam kiên cường và giàu tình cảm. Phượng Liên và Nam Hùng thì tạo nên những điểm nhấn bi hùng, đưa khán giả qua mọi cung bậc cảm xúc, từ niềm tự hào đến nỗi đau mất mát. Út Bạch Lan vai bà Bảy Đờn, Thanh Thanh Hoa vai bí thư Hà cùng các nghệ sĩ tài danh khác đã làm lay động lòng người bởi lối ca diễn vừa dịu dàng vừa cương nghị.
SỨC SỐNG BỀN BỈ
Sức sống của Người ven đô đã kéo dài gần nửa thế kỷ. Vở diễn được tái dựng nhiều lần, từ sân khấu lớn đến các chương trình biểu diễn tại vùng sâu, vùng xa. Trong các mùa giải Trần Hữu Trang, nhiều diễn viên trẻ cũng chọn trích đoạn của vở này để dự thi.
Năm 2024, trong dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, vở diễn được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái dựng với các nghệ sĩ trẻ Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Phượng Loan, Minh Trường, Lê Hồng Thắm… ca diễn rất chững chạc. Đặc biệt Lê Tứ và Võ Minh Lâm đã vào vai lão một cách xuất sắc. Lê Tứ đã từng đóng vai lão, còn Võ Minh Lâm thì quả là một bất ngờ. Vào vai lão đã khó đối với diễn viên trẻ, lại là nhân vật cách mạng thì càng thêm khó, đây là một thử thách đối với nội lực nghệ sĩ. Chính những nhân vật kiểu này giúp các bạn rèn nghề rất vững.
Đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ đã thổi hồn vào phiên bản mới bằng nét dựng hiện đại, mạnh mẽ, tạo nên một sân khấu gần gũi với công chúng hôm nay. “Không gian chiến đấu cách mạng đã lùi khá xa, lại không có màu sắc như cổ trang, thì rất khó thu hút khán giả trẻ. Nhưng trên nền kịch bản quá hay thì đạo diễn và diễn viên vẫn thừa sức sáng tạo. Làm sao để truyền được ngọn lửa bất khuất của dân tộc vào những trái tim trẻ, đó chính là trách nhiệm của chúng tôi”, đạo diễn Hoa Hạ nói. (còn tiếp)
Nguồn: thanhnien.vn