Tài sản vô hình này được hình thành trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi xanh, là lợi thế cạnh tranh trong nỗ lực mở rộng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh: công nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp
Tài sản đó là tín chỉ carbon hiện đã và đang được trao đổi khá phổ biến trên sàn giao dịch tự nguyện. Vào tháng 6 tới, dự kiến sàn giao dịch carbon được vận hành thí điểm.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, trong đó có nội dung liên quan đến tín chỉ carbon, từng bước định hình hệ sinh thái cho tín chỉ carbon – một trong những các loại tài sản mới nổi của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: tín chỉ carbon gắn với chuyển đổi xanh đã gần như trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp.
Qua thống kê sơ bộ, Việt Nam đã phát hành hơn 10 triệu tín chỉ carbon với giá trị mang lại từ 300 – 500 triệu USD. Tín chỉ carbon – nếu được công nhận làm tài sản bảo đảm sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược chuyển đổi xanh trên nhiều khía cạnh.
Với vấn đề đang được quan tâm hiện nay là chính sách tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy các quốc gia cần tận dụng những khe hẹp trong đàm phán thương mại. Châu Âu và Mỹ đòi hỏi truy xuất nguồn gốc xanh cho các sản phẩm nhập khẩu và tín chỉ carbon là công cụ xác thực hữu hiệu.
Quan trọng hơn ở tín chỉ carbon là vòng đời và phạm vi ứng dụng trong cả chuỗi cung ứng phức tạp. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu xanh khắt khe, tín chỉ carbon mới trở thành tài sản bảo đảm có giá trị cao, đủ để ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính chấp nhận.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng
Từ kinh nghiệm thế giới, bà Vũ Thị Vân Anh – Trưởng phòng cao cấp khối ESG của KPMG Việt Nam chia sẻ: một số quốc gia trên công nhận tín chỉ carbon là một tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, tại thị trường châu Âu, tín chỉ carbon được công nhận là công cụ tài chính giao dịch trên các sàn giao dịch và sử dụng các giao dịch tài chính phái sinh ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) triển khai các biện pháp để giảm rủi ro khí hậu trong hoạt động tín dụng, bao gồm việc hạn chế tài sản có lượng phát thải cao được sử dụng làm tài sản đảm bảo.
Tại Thái Lan đang xem xét công nhận tín chỉ carbon có thể làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu cung cấp một cách đo lường và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu.
Tại Việt Nam, xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon chưa có quy định pháp luật cụ thể nên ngân hàng e ngại thực hiện. Theo ông Nguyễn Kim Hùng, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu. Đến nay, tín chỉ carbon đang được xem là tài sản vô hình, không dễ định giá hay thanh lý như tài sản hữu hình.
Song, nếu truy xuất được toàn bộ chuỗi giá trị của tín chỉ carbon, ví dụ cho điện xanh thì tính thanh khoản trên thị trường toàn cầu khá lớn. Các ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính, thậm chí cá nhân đầu tư vào tài sản xanh đều có nhu cầu cao với loại tài sản này. Việc xử lý tín chỉ carbon không nên giới hạn trong phạm vi quốc gia mà cần mở rộng ra quy mô toàn cầu, tận dụng xu hướng đầu tư vào kinh tế xanh.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu, xem xét luật hoá tín chỉ carbon là tài sản đảm bảo thúc đẩy phát triển tín dụng xanh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn