Thursday, May 1, 2025

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn

VTV.vn – Ẩn mình dưới những cánh rừng xanh rì ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh, Địa đạo Củ Chi là minh chứng sống cho ý chí quật cường và sáng tạo của quân dân Việt Nam.

Ngày nay, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua dành cho những ai muốn trải nghiệm không gian sống, chiến đấu của một thời oanh liệt và hòa mình vào các hoạt động du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Công trình ngầm vĩ đại của ý chí bất khuất, kiên cường

Với hơn 250km đường hầm đan xen như mạng nhện, hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 1.

Địa đạo Củ Chi là minh chứng sống cho ý chí quật cường và sáng tạo của quân dân Việt Nam

Địa đạo được chia thành ba tầng, mỗi tầng có mục đích và chức năng riêng biệt, từ nơi trú ẩn an toàn cho dân và quân cho đến các khu vực chiến đấu và tập kết quân nhu.

Tầng 1 (độ sâu khoảng 3m): Đây là nơi chứa các công trình phụ trợ như bếp Hoàng Cầm, các ống thông khí, các bẫy rập và hệ thống đường hầm sơ cấp. Tầng này chủ yếu được thiết kế để bảo vệ quân dân khỏi đạn pháo và sự tấn công của xe tăng, xe bọc thép của quân địch.

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 2.

Địa đạo là nơi duy trì các hoạt động văn hóa và sinh hoạt của quân dân

Tầng 2 (độ sâu khoảng 5m): Ở tầng này, các công trình phức tạp hơn đã được xây dựng, có khả năng chống lại bom nhỏ. Đây là nơi trú ẩn, nghỉ ngơi, trạm quân y và đặc biệt là các bẫy chông, hố đinh, tạo nên một hệ thống phòng thủ bất ngờ, khó bị phát hiện.

Tầng 3 (độ sâu từ 8m đến 12m): Tầng này có khả năng chịu được hầu hết các loại bom đạn, bao gồm cả bom tấn. Đây là nơi các cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi, chữa trị cho thương binh, dự trữ vũ khí và lên kế hoạch tác chiến. Nơi đây cũng là nơi duy trì các hoạt động văn hóa và sinh hoạt của quân dân.

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 3.

Đây cũng là nơi lên kế hoạch tác chiến

Các đoạn hầm đều được thiết kế tinh vi với cửa bí mật, các bẫy rập và hệ thống thông khí ngụy trang, giúp đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng, rất khó để đối phương phát hiện.

Lịch sử và văn hóa hội tụ

Ngày nay, Địa đạo Củ Chi không chỉ là một công trình lịch sử mà còn là một điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Địa đạo đã được bảo tồn và phục dựng ở hai địa điểm chính: Địa đạo Bến Dược và Địa đạo Bến Đình. Đến Bến Dược du khách sẽ được tham quan hệ thống địa đạo, những căn hầm của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã từng sống, chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh. Địa đạo Bến Đình là nơi ăn ở, sinh hoạt, hội họp của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi. 

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 4.

Đền tưởng niệm Bến Dược

Ngoài các công trình di tích lịch sử phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, khi đến địa đạo Củ Chi du khách còn được tham quan Khu tái hiện vùng Giải phóng Củ Chi để biết được lối kiến trúc nhà cửa, cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của quân và dân Củ Chi trong giai đoạn từ năm 1961-1972.  Nơi đây tái hiện các trận chiến, các cuộc tấn công vào vùng giải phóng, đặc biệt là không khí ác liệt của cuộc chiến tranh cục bộ với các cảnh tượng như vùng đất trắng sau những cuộc oanh tạc của quân địch.

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 5.

Địa đạo Củ Chi có sức thu hút lớn đối với du khách

Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm tại địa đạo rất phong phú, từ bắn súng thể thao quốc phòng cho đến các trò chơi liên hoàn, vượt chướng ngại vật, giúp du khách có cơ hội thử thách bản thân và hiểu rõ hơn về sự khắc nghiệt của chiến tranh. Điểm nhấn là tour đêm Trăng chiến khu nơi những câu chuyện lịch sử được kể dưới ánh trăng tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt về đêm của người dân trong vùng giải phóng Củ Chi như đưa du khách quay về quá khứ và sống lại những tháng ngày hào hùng của dân tộc. Kèm theo đó là chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ và đốt lửa trại cùng đồng bào người S’Tiêng tạo không gian sống động, vui tươi gắn kết mọi người qua những điệu nhảy, tiếng cười bên ánh lửa rực cháy mang lại những trải nghiệm ý nghĩa và đầy cảm xúc. 

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 6.

Địa đạo Củ Chi là địa điểm tham quan được đông đảo du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến TP Hồ Chí Minh

Niềm tự hào của người Việt Nam

Thời gian gần đây, bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đang tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện về địa đạo được tái hiện trên màn ảnh. “Để hiểu rõ toàn bộ câu chuyện, bạn hãy đến Địa đạo Củ Chi để khám phá và trải nghiệm. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao Củ Chi – mảnh đất nghèo khó lại có thể đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đội quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, quân và dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ khiến quân thù phải khiếp sợ. Hãy đến và mạnh dạn đi sâu vào lòng đất, bạn sẽ nhận ra lắm điều kỳ thú”, Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Địa đạo Củ Chi cho biết. 

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 7.

Tour đêm Trăng chiến khu

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, Địa đạo Củ Chi còn là niềm tự hào của người Việt Nam. Trong hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Địa đạo Củ Chi được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, với những công cụ thô sơ và dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tri thức dân gian trong hoàn cảnh chiến tranh. Đây là yếu tố thể hiện sức mạnh phi thường của con người Củ Chi cũng như giá trị độc đáo của công trình, khiến công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 8.

Du khách trải nghiệm trồng lúa

Ông Paul Hazelton, một cựu chiến binh Mỹ, đã chia sẻ sau khi tham quan địa đạo: “Bây giờ tôi đã hiểu rõ cách người Việt Nam đã chiến đấu và bảo vệ mình”. Những lời chia sẻ như vậy chính là minh chứng cho sự kính phục và ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế đối với tinh thần chiến đấu và sức mạnh của quân dân Việt Nam. 

Địa đạo Củ Chi: Nơi lịch sử sống lại với những trải nghiệm hấp dẫn - Ảnh 9.

Đồng bào S’Tiêng biểu diễn cồng chiêng

Để trải nghiệm thêm trọn vẹn

-Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đến địa đạo Củ Chi có thể di chuyển bằng xe buýt (bắt tuyến số 13 từ Bến Thành – Bến xe Củ Chi sau đó bắt tuyến 79 đến địa đạo), xe cá nhân hoặc đăng ký tour khám phá địa đạo Củ Chi bằng tàu cao tốc.

– Nếu lần đầu đến với Địa đạo Củ Chi, du khách có thể lựa chọn trải nghiệm chui một đoạn ngắn trong hầm, khoảng 10m, 20m… Các đường hầm này đã được nới rộng hơn so với ngày trước và thắp đèn sáng để du khách thuận tiện di chuyển nhưng không khuyến khích người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc có tiền sử hen suyễn, tim mạch.

– Mặc quần áo thoải mái, tối màu và đi giày thể thao để dễ dàng di chuyển và khám phá các đường hầm​.

– Chỉ mang theo túi nhỏ với những vật dụng thiết yếu như nước uống, một số đồ ăn nhẹ và vật dụng cá nhân cần thiết. Các khu vực chụp ảnh và tham quan có thể hơi chật hẹp, vì vậy bạn nên hạn chế mang theo đồ đạc cồng kềnh​.

– Để khám phá hết khu vực địa đạo, bạn sẽ cần từ 2-3 giờ đồng hồ. Còn nếu muốn trải nghiệm thêm cả dịch vụ bắn súng thật, súng sơn thì cần ít nhất 5 tiếng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img