VTV.vn – Mới đây, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao chứng nhận “Điểm đến Du lịch Xanh – VITA Green” cấp độ Nâng cao.
Trong tiếng chim rừng ríu rít và nắng sớm vàng ươm trên triền đồi Nho Quan (Ninh Bình), một nhóm du khách đang lặng lẽ quan sát những cá thể gấu thong thả dạo bước trong khu bán hoang dã. Không ai giơ điện thoại chụp lia lịa, không ai gọi réo to. Tất cả đều đeo tai nghe kết nối với hướng dẫn viên để đảm bảo sự yên tĩnh, như một cách tôn trọng không gian sống mới mẻ của những chú gấu từng sống cả đời trong lồng sắt.
Khác với những điểm du lịch thông thường, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình không đơn thuần là nơi tham quan, mà là một điểm đến du lịch bền vững gắn liền với giáo dục bảo tồn động vật hoang dã – nơi mỗi bước chân đều là một hành động vì sự sống. Khu vực này đang là ngôi nhà chung của 46 cá thể gấu, gồm 45 cá thể gấu ngựa và 1 cá thể gấu chó, hầu hết đều được chuyển giao từ các trại nuôi nhốt tư nhân hoặc tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Những cá thể gấu hạnh phúc khi được thoát khỏi lồng sắt chật hẹp.
Từ năm 2019, cơ sở bắt đầu thử nghiệm mô hình du lịch bền vững kết hợp với giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn. Không có rạp xiếc, không có “vuốt ve gấu để chụp ảnh”, thay vào đó là chòi triển lãm thông tin giúp du khách tự khám phá bằng hình ảnh và tư liệu sinh động; hệ thống cầu trên cao cho phép quan sát gấu từ xa, giảm căng thẳng cho động vật; giới hạn nhóm tham quan tối đa 10 người ở các khu vực gần gấu; sử dụng thiết bị tai nghe cá nhân để hướng dẫn viên truyền đạt thông tin mà không gây ồn.
Anh Nguyễn Mạnh Quyền – Điều phối viên phát triển du lịch tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định rõ, đây là du lịch giáo dục – không phải thuần túy giải trí. Mục tiêu cao nhất là nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã.”

Du khách quan sát gấu từ hành lang trên cao.

Một chú gấu đang say giấc.
Học sinh tham gia vào chương trình giáo dục trải nghiệm.

Hoạt động ngụy trang đồ ăn để kích thích bản năng tự nhiên cho gấu.
Một điểm đặc biệt khác tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là nhà hàng chay dành cho du khách – nơi không chỉ phục vụ bữa ăn, mà còn lan tỏa triết lý sống hài hòa với tự nhiên.
“Chứng nhận VITA Green là cột mốc quan trọng của chúng tôi khi đã luôn thực hiện nghiêm túc và đồng đều, thể hiện cam kết của đội ngũ chúng tôi trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và du lịch có trách nhiệm. Nền tảng của nỗ lực này là các tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao của FOUR PAWS dành cho những cá thể gấu, cùng với các sáng kiến nội bộ khác như: giảm rác thải nhựa, thúc đẩy không gian không khói thuốc, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, và hợp tác với các nhà cung cấp địa phương.”, anh Quyền bộc bạch.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao chứng nhận “Điểm đến Du lịch Xanh – VITA Green” cấp độ Nâng cao – một trong tám điểm du lịch đầu tiên trên cả nước đạt được danh hiệu này.

Các đơn vị được vinh danh đạt nhãn Du lịch xanh.
Khi được hỏi đâu là khó khăn lớn nhất để phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn, anh Quyền không ngần ngại chia sẻ: “Khó nhất là thay đổi nhận thức – từ du khách đến người làm du lịch.”
Với du khách, không phải ai cũng sẵn sàng rời bỏ tiện nghi để tham gia hành trình khám phá thiên nhiên, hạn chế rác thải, tôn trọng không gian sống của động vật. Với người làm du lịch và cộng đồng địa phương, cần nhiều hơn sự đào tạo, sự hỗ trợ chính sách và niềm tin vào hướng đi bền vững.
Thế nhưng đổi lại, du lịch xanh mang lại lợi ích lâu dài như tạo khác biệt giữa bối cảnh các tour truyền thống ngày càng bão hòa, xây dựng thương hiệu tích cực gắn với trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, ít chịu ảnh hưởng từ xu hướng nhất thời.
Du khách quốc tế hào hứng với những câu chuyện về gấu.
Lưu lại những hình ảnh đẹp của gấu được tự do.

Du khách viết lời nhắn cho gấu và cơ sở.
Không chỉ tại Ninh Bình, mô hình du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã đang từng bước lan rộng trên khắp cả nước và trở thành điểm sáng trong dòng chảy du lịch bền vững.
Ở Vườn quốc gia Cát Tiên, du khách có thể tham gia tái thả động vật hoang dã, hay xem thú ban đêm để chứng kiến sự sống của động vật về đêm. Còn tại Tràm Chim (Đồng Tháp), mô hình du lịch xem chim trời vào mùa nước nổi vừa phục vụ nhu cầu khám phá thiên nhiên, vừa giúp nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ sinh cảnh sống của các loài chim quý như sếu đầu đỏ, cò thìa mặt đen…
Những điểm đến này đang cho thấy rằng, bảo tồn động vật hoang dã không còn là việc riêng của các nhà khoa học, mà là một phần trong trải nghiệm du lịch nhân văn và có trách nhiệm mà ngày càng nhiều du khách Việt Nam và quốc tế hướng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!