Với gần 1,5 tỷ dân, thị trường lớn Ấn Độ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh, góp phần đa dạng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ
Cụ thể, nhóm khách hàng không yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng với khoảng 600 triệu dân, nhóm khách hàng yêu cầu cao hơn với khoảng 200 triệu dân, nhóm khách hàng siêu giàu – khoảng 100 triệu dân – có yêu cầu rất cao và khắt khe… Điều này tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Những năm gần đây, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh và chủ động nắm bắt nhanh liên kết với các nước trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2023 hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu đã được thực hiện. Chuỗi cung ứng này rất gần với Việt Nam và khu vực ASEAN.
Ngoài ra, Ấn Độ có vị trí địa lý gần châu Phi – một thị trường rất lớn để doanh nghiệp Việt có thể mở rộng thị phần và thị trường xuất khẩu. Ngược lại, với khách du lịch Ấn Độ, Việt Nam đang là điểm đến thú vị, thu hút hơn 500 ngàn người năm 2024, tăng gấp nhiều lần so với mấy chục ngàn du khách của những năm trước thời kỳ COVID-19. Với những cơ hội trên, theo ông Bùi Trung Thướng, thị trường Ấn Độ ngày càng hấp dẫn.
Bên cạnh những cơ hội, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, thị trường này là điểm đến cho doanh nghiệp muốn hướng đến phát triển lâu dài và bền vững. Ấn Độ cũng không phải là thị trường dễ dàng mà tính bảo hộ rất cao, điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt, ẩm thực khác biệt. Đây là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam và lý giải một phần nguyên nhân tỷ lệ doanh nghiệp Việt kết nối thành công chưa cao.
Để khai thác tốt cơ hội thị trường mang lại, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, quan trọng nhất là xác định những mặt hàng có thể hợp tác cùng nhau. Chẳng hạn như mặt hàng dệt may – 2 nước cùng là các quốc gia xuất khẩu nhưng vẫn có dư địa hợp tác. Ấn Độ có ngành công nghiệp dệt rất phát triển và cũng là một trong những đơn vị cung ứng bông hàng đầu thế giới.
Là thị trường đang lên có nhu cầu xây dựng lớn nên Ấn Độ cần các mặt hàng đồ gỗ và nội thất. Đây có thể là gợi ý cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này trong khi các thị trường khác đang khó khăn. Cùng với dệt may, đồ gỗ nội thất, trong thời gian tới thương vụ dự kiến tổ chức nhiều sự kiện trao đổi thông tin xúc tiến thương mại cho các mặt hàng như da giày, thuỷ sản, điện tử, nông sản và mong muốn doanh nghiệp tích cực tham gia.
Các đối tác từ Ấn Độ tìm hiểu các sản phẩm hàng hoá đặc sản của Việt Nam
Với các doanh nghiệp, để gia tăng cơ hội xuất khẩu thành công vào Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng cho rằng, doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư bài bản, không nên có tư duy “xuất khẩu được thì mới đầu tư”. Nhiều doanh nghiệp SME luôn đặt câu hỏi và bày tỏ mong muốn kết nối kinh doanh với đối tác nhưng chưa sẵn sàng đầu tư cho sản phẩm, quảng bá sản phẩm…
Muốn nắm bắt cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp cần sự khác biệt, nổi trội của sản phẩm. Đồng thời chuẩn bị năng lực quản trị, luật pháp và ngoại ngữ. Thực hiện đủ 3 yếu tố trên, doanh nghiệp mới có thể sẵn sàng cho thị trường mới, tránh rắc rối không đáng có.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tại khu vực Nam Á, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024 đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 9,06 tỷ USD tăng 7,6%, nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 5,83 tỷ USD giảm 0,6%.
Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch đạt 1,68 tỷ USD, tăng 4,5%, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là mặt hàng hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2024 như nông sản, thuỷ sản, đồ gỗ; sản phẩm mây tre cói, thảm; sản phẩm cao su, bánh kẹo, ngũ cốc…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn