Đầu năm 2025, TP.HCM có thêm nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui là nhiều… nỗi lo.

Trường THPT Trưng Vương…

… và chợ Tân Định vừa vinh dự được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật của TP.HCM ẢNH: QUỲNH TRÂN
Mách có chứng, ông Du đưa PV Thanh Niên dạo qua hết toàn bộ chợ. Đi đến đâu ông đều chỉ nhiều chỗ mái tôn đã mục, tường thì loang lổ, bong tróc. Màu sơn chưa một lần thay mới. “Đó, bước qua phía đường Hai Bà Trưng ngoái lại phía mặt tiền chợ sẽ thấy phần tôn lợp bị mục nhiều lắm nhưng chưa thể sửa chữa được. Nếu muốn đầu tư công phải chờ hướng dẫn, thủ tục yêu cầu phải khảo sát, mời đơn vị tư vấn…, không dễ đâu”, ông Du thở dài.
Đến Trường THPT Trưng Vương (Q.1) – di tích vừa được xếp hạng chung đợt với chợ Tân Định, đền thờ Mariamman, đình An Khánh, đình Long Bình, đình Long Hòa (TP.Thủ Đức), Trường ĐH Sài Gòn (Q.5) đợt này, chúng tôi gặp cô Hiệu phó Lương Bích Nga. Cô cho biết trường vừa làm lễ đón nhận bằng xếp hạng và thông tin đến phụ huynh để cùng chung vui và cũng nhận được nhiều lời đề nghị của du khách đến tham quan. Tuy nhiên, sau vui là…lo. “Chúng tôi có kế hoạch xây dựng khu phức hợp đa năng đã được Sở Xây dựng phê duyệt trị giá gần 100 tỉ đồng, chuẩn bị đưa vào kế hoạch niêm yết công khai giờ phải ngưng lại, chờ ý kiến đồng ý của Sở VH-TT TP mới thực hiện được. Trong khi đó, một số hạng mục tại trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng”, cô Nga nói và chỉ tay về phía căn phòng bị nhiều vết nứt chạy dài trên tường. “Các khu khác còn nặng hơn nhưng chưa biết phải làm sao, vì sửa chữa lớn phải được cho phép”, cô Nga cho biết thêm.

Kiến trúc mặt tiền chợ Tân Định đang bị xuống cấp ẢNH: QUỲNH TRÂN
SẼ ĐẦU TƯ BÀI BẢN CHO DI TÍCH
Mang những băn khoăn, tâm trạng nói trên đến Sở VH-TT TP.HCM, PV Thanh Niên nhận được nhiều thông tin tích cực từ ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở. “Có thể theo cách suy nghĩ xưa, một số đơn vị còn lo lắng nhưng sắp tới đây luật Di sản mới sửa chữa có hiệu lực thì những vướng mắc sẽ dần tháo gỡ. Nhà nước luôn dành một nguồn lực cho đầu tư công trong từng giai đoạn và có chiến lược phát triển văn hóa. Chưa kể thời gian qua, nguồn lực xã hội hóa tham gia quá trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật đang chiếm tỷ trọng đáng kể. Di tích xếp hạng sắp tới được chúng tôi số hóa, lưu trữ dưới nhiều hình thức để công chúng dễ dàng tiếp cận, đồng thời mở ra cơ chế phục dựng lại nhiều di tích lịch sử quan trọng chưa từng có tiền lệ…”, ông Nhựt nhấn mạnh.
Hiện TP.HCM có 200 công trình, địa điểm là di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 58 di tích quốc gia (gồm 2 di tích khảo cổ học, 32 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 140 di tích cấp TP (86 di tích kiến trúc nghệ thuật, 54 di tích lịch sử) và 79 di tích lịch sử liên quan đến quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT TP.HCM vừa nhận được công văn đề nghị xếp hạng 7 công trình, địa điểm gồm: núi Giồng Chùa (H.Cần Giờ), Võ Tiên Sư (Q.Bình Thạnh), đình Mỹ Hòa, đình thần Tân Thới Trung, đình Thới Tam Đông, đình Tân Thới Tam (H.Hóc Môn) và Thảo cầm viên Sài Gòn. “Điều này thể hiện sự ý thức và trách nhiệm với di sản của các cá nhân và đơn vị quản lý. Bởi, di sản không phải của riêng ai hay của nhà nước mà là toàn dân. Nhiều công trình ở TP còn có giá trị tầm nhân loại nên cần cộng đồng cùng chung tay để phát huy giá trị của di sản và bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau”, ông Nhựt khẳng định.
Sáng 6.5, PV Thanh Niên cũng được mời tham dự buổi làm việc rất quyết liệt giữa lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa TP.HCM. Sở chỉ đạo trung tâm thời gian tới phải làm đầy đủ hồ sơ trình HĐND thông qua 8 di tích mới để xếp hạng sớm: Khu tưởng niệm Vườn Cau đỏ (Q.12), Căn cứ Vườn Thơm (H.Bình Chánh), đình Tân Phước (Q.Tân Bình), đình Bình Nhan (H.Hóc Môn), đình thần Phú An (Q.Bình Thạnh), Mộ cổ Gò Quéo (TP.Thủ Đức), Nhà thờ họ Trương (Q.Gò Vấp) và Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1).
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ BẢO TỒN ĐI LIỀN VỚI PHÁT TRIỂN Không chỉ gia tăng số lượng về di tích được xếp hạng, bằng mọi cách Sở VH-TT TP.HCM tiếp tục tuyên truyền để các đơn vị quản lý và chủ sở hữu di tích thấy được tầm quan trọng và quyền lợi khi di tích được xếp hạng. Chúng tôi không làm khó, chẳng làm dễ mà chỉ làm đúng. Hoàn toàn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bảo tồn luôn đi liền với phát triển. Và từ các nghiên cứu và phát hiện mới, Sở lại hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng hạng các di tích từ cấp quốc gia lên di tích quốc gia đặc biệt, từ di tích cấp TP lên di tích cấp quốc gia và thêm nhiều di tích mới được xếp hạng để chuẩn bị cho ngày hội Di sản VN lần thứ nhất của TP tổ chức vào tháng 11 năm nay. Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Minh Nhựt |
Nguồn: thanhnien.vn