Cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những giải pháp giúp đàm phán với Mỹ đạt mức thuế phù hợp.
PGS TS Phan Hữu Nghị – Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân)
Theo PGS TS Phan Hữu Nghị, Mỹ là một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là một trong hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Do đó, các giải pháp thích ứng với thuế đối ứng cần hướng đến các mục tiêu như giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính nhấn mạnh một trong những nội dung quan trọng là Việt Nam cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt phải minh chứng được tỷ lệ phần trăm giá trị xuất xứ trong nước và giá trị có nguồn gốc từ Trung Quốc hay ASEAN để đàm phán đạt được mức thuế suất phù hợp, giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển nhưng không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, rà soát chi tiết danh mục hàng hóa có thể cắt giảm thuế với Mỹ hướng đến cân bằng thương mại. Trong đó, xem xét chi tiết từng nhóm hàng gắn với lợi thế so sánh của Việt Nam để hậu đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó Việt Nam đã tham gia cũng như tránh để Việt Nam bị kéo vào các vòng đàm phán thương mại với các đối tác thương mại lớn khác.
Trong ngắn hạn, chuyên gia đề xuất cần thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng, giúp doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm 2025 và các năm sau. Mức hỗ trợ cần tính toán để có thể bù đắp phần lớn thiệt hại sau khi bị áp thuế.
Trong trung hạn, có thể xem xét triển khai các gói tín dụng ưu đãi với cách thức thực hiện phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong đàm phán là minh bạch chính sách trợ cấp công nghiệp, chống trợ cấp, đặc biệt là trong các ngành chiến lược.
Cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những giải pháp giúp đàm phán với Mỹ đạt mức thuế phù hợp
Đối với các doanh nghiệp, theo PGS TS Phan Hữu Nghị, cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa, truy xuất chuỗi cung ứng. Đây cũng là vấn đề được Mỹ đề cao khi so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Doanh nghiệp Việt Nam cần từng bước đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào, tránh những rủi ro về xuất xứ.
Những khoản đầu tư trên cùng với việc thực hiện tuân thủ cao hơn các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, minh bạch tài chính, các chính sách hỗ trợ xuất khẩu không chỉ cần thiết với thị trường Mỹ mà còn là giải pháp đưa hàng hoá sản phẩm Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Âu.
Đồng quan điểm, ông Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Quốc tế và chính sách hội nhập, Viện Chiến lược chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, thực hiện đàm phán với Mỹ, chúng ta có thể kỳ vọng một mức thuế thấp hơn mức 46% trước đó.
Mức thuế cụ thể thế nào vẫn là ẩn số nhưng nền kinh tế và các doanh nghiệp chuẩn bị tinh thần cho bối cảnh kinh tế quốc tế cạnh tranh nhiều hơn trong thời gian tới. Dòng thương mại, đầu tư và cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu có những thay đổi lớn; lợi nhuận của doanh nghiệp trước mắt bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Toàn Thắng đây là thời điểm thích hợp để thực hiện từng bước tái cấu trúc xuất khẩu. Đồng thời, tái cấu trúc lại nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn