VTV.vn – Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đang được kỳ vọng là “cú hích” cho doanh nghiệp nhưng theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vẫn còn nhiều điểm cần sửa
Nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã gửi văn bản góp ý cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi. Theo đó, HoREA đề xuất điều chỉnh mức thuế suất theo quy mô doanh nghiệp và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, đặc biệt trong các lĩnh vực có tính xã hội cao như cải tạo chung cư cũ.
Trong văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội; Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, HoREA đánh giá cao nhiều điểm tích cực trong Dự thảo Luật như: cho phép bù trừ lỗ giữa các hoạt động kinh doanh (trừ chuyển nhượng bất động sản…), tiếp tục ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội, và công nhận các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học… là chi phí hợp lý. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng vẫn còn một số điểm bất cập, đặc biệt là cách xác định quy mô doanh nghiệp và các mức thuế suất tương ứng.

Dự thảo Luật Thuế TNDN là cơ hội để luật hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách rõ ràng.
Một trong những góp ý quan trọng là kiến nghị sửa đổi Điều 10 của Dự thảo theo hướng phân loại rõ ràng và hợp lý các mức thuế suất, đồng thời đảm bảo phù hợp với Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017. Cụ thể, HoREA đề xuất áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu không quá 10 tỷ đồng; 17% cho doanh nghiệp nhỏ (doanh thu không quá 100 tỷ đồng); và 19% cho doanh nghiệp vừa (doanh thu không quá 300 tỷ đồng). Việc phân loại này giúp tránh tình trạng bất công giữa các doanh nghiệp có cùng quy mô nhưng khác lĩnh vực – điều đang tồn tại trong dự thảo hiện nay khi chỉ quy định thuế suất 15% cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, HoREA cũng đề nghị bổ sung hoạt động “đầu tư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” vào danh mục được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Theo Hiệp hội, đây là lĩnh vực có ý nghĩa xã hội lớn, tương tự như nhà ở xã hội, cần được khuyến khích để góp phần cải tạo hàng trăm chung cư cũ đang xuống cấp tại các đô thị lớn.
Hiện nay, DNNVV chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP, 30% thu ngân sách và sử dụng hơn 50% lao động. Việc ban hành chính sách thuế hợp lý không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, mà còn tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.
HoREA khẳng định, Dự thảo Luật Thuế TNDN là cơ hội để luật hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách rõ ràng, thực chất, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng khung định hướng như hiện nay. Một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và dễ thực thi sẽ góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết: “Hiện nay, tại Điều 10 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cho phép ‘doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”; “Khoản 3 Điều 4 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng có quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa và tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP đã quy định ‘tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ’là: “Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng…
Do vậy Hiệp hội đề xuất mức ‘thuế suất 15%’ thuế TNDN áp dụng đối với ‘doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 10 tỷ đồng’ để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ về thuế TNDN đối với cả ‘doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng’ và cả ‘doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ’, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!