Friday, May 9, 2025

Nghị quyết 68: Quyết liệt thay đổi từ tư duy đến hành động

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, cần “đập bỏ” các điểm nghẽn chứ không phải chỉ hoàn thiện theo tư duy cũ. Nếu không làm như vậy thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cải cách.

Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc này giúp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Vì thế, Bộ Chính trị khẳng định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Nghị quyết được kỳ vọng không chỉ bởi khu vực kinh tế tư nhân mà còn là “động lực quan trọng nhất” của cả nền kinh tế.

Nghị quyết 68: Quyết liệt thay đổi từ tư duy đến hành động

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Với mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, muốn đạt được con số này, Nghị quyết cần ươm mầm và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, song song với khuyến khích sự hình thành của các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt thị trường, sẽ quyết định thành công. Cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội, mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp sẽ ngày càng tiến gần.

Cụ thể, theo ông, kết quả này phục thuộc vào những cải cách đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh từ việc gia nhập thị trường – hoạt động kinh doanh – ra khỏi thị trường của mỗi doanh nghiệp. Trước hết, phải bắt đầu từ những giải pháp khôi phục lại niềm tin của khu vực tư nhân, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của họ. Tức là, giải pháp đưa ra phải làm sao để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê kinh doanh, khiến họ khao khát đầu tư, phát triển và cống hiến cho đất nước. Làm được như vậy, một thế hệ doanh nhân mới sẽ xuất hiện.

“Việc này không dễ dàng, tuy vậy, cải cách cần có đột phá trong tư duy, tư duy thông thì hành động mới thông.” – ông Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Nghị quyết 68: Quyết liệt thay đổi từ tư duy đến hành động

Cần kích thích, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Từ phía nội tại doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần nắm bắt thời cơ, trang bị năng lực đổi mới sáng tạo bằng cách đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ, xây dựng lực lượng lao động “nòng cốt”, tạo ra sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng cao. Liên tục thúc đẩy kết nối với các đối tác chiến lược và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, từ đó khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Chính phủ nên thành lập một nhóm công tác đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng. Nhóm công tác này phải độc lập, không bị chi phối bởi tư duy hay lợi ích cục bộ của các bộ, ngành và địa phương.

Phải rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, kiến nghị bãi bỏ những luật không còn phù hợp. Xem xét “phá bỏ” những thủ tục hành chính thể hiện cơ chế xin – cho, là biểu hiện của những công cụ quản lý không quản được thì cấm và quản được đến đâu thì mượn đến đó.

Phải thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước. Phải xây dựng các văn bản pháp luật mới, ví dụ như về quỹ đầu tư, công ty đầu tư, huy động cung cấp vốn trung dài hạn cho khu vực tư nhân.

Cần cơ chế pháp lý để doanh nghiệp phát triển, nhất quán và minh bạch, giảm chi phí tuân thủ và rào cản gia nhập.

Cuối cùng theo ông, cần “đập bỏ” các điểm nghẽn chứ không phải chỉ hoàn thiện theo tư duy cũ. Nếu không làm như vậy thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cải cách. “Có như vậy thì chúng ta mới đạt được mục tiêu tới năm 2030 phát triển 2 triệu doanh nghiệp, một cách thực chất” – ông Cung nói.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img