Ông ShinJu Back cho rằng, cần triển khai các chính sách “chống sốc” hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính và chi phí, hỗ trợ tạm thời cho các ngành chịu ảnh hưởng nặng trước “bão” thuế đối ứng.
Ông ShinJu Back- Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam.
Theo ông ShinJu Back- Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng lên hàng hóa Việt Nam là rất cao và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ thương mại giữa hai nước.
– Mức thuế đối ứng của Mỹ lên hàng hóa Việt Nam dự kiến tác động thế nào đến hoạt động sản xuất của Lotter Mart nói riêng và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam nói chung, thưa ông?
Nếu mức thuế 46% này được thực thi, giá sản phẩm Việt Nam sẽ cao hơn đáng kể so với hàng hóa từ các quốc gia khác, và điều đó chắc chắn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Mỹ. Kết quả là nhu cầu xuất khẩu có thể giảm mạnh và hoạt động sản xuất có nguy cơ đình trệ.
Theo phân tích, trong kịch bản xấu nhất, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm từ 1–2 điểm phần trăm so với dự báo. Điều này cho thấy, nếu mức thuế 46% được duy trì trong thời gian dài, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, lượng vốn FDI mới đổ vào Việt Nam có thể chững lại và điều này có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến các lĩnh vực cung ứng dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Dù Lotte Mart Việt Nam không trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, nhưng nhiều nhà cung cấp trong các ngành như dệt may, gỗ, thực phẩm… đang có tỷ trọng lớn hàng xuất sang Mỹ sẽ chịu tác động. Khi họ gặp khó khăn và buộc phải cắt giảm sản xuất, thu nhập của người lao động và sức mua trong nước sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động kinh doanh bán lẻ của chúng tôi. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và xây dựng các kế hoạch ứng phó phù hợp.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp Lotte Mart không phụ thuộc vào một nguồn hàng hay thị trường duy nhất, luôn có phương án thay thế nếu chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn.
– Cụ thể, kế hoạch ứng phó mà ông vừa nói là gì khi mà không chỉ thuế đối ứng, thương mại toàn cầu cũng đang có nhiều yếu tố bất định?
Bối cảnh thương mại toàn cầu hiện chứa đựng nhiều biến số khó lường từ xung đột thương mại giữa các nước lớn, thay đổi chính sách thuế quan cho đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, Lotte Mart Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thích ứng một cách linh hoạt.
Cụ thể, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chúng tôi không phụ thuộc vào một nguồn hàng hay thị trường duy nhất, mà mở rộng mạnh mẽ mạng lưới nhà cung cấp đảm bảo luôn có phương án thay thế nếu chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn.
Đồng thời tăng cường quản trị rủi ro và ứng dụng công nghệ. Cụ thể, xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu và quản lý tồn kho hiện đại nhằm phản ứng nhanh với thay đổi thị trường, tối ưu hóa chi phí. Chủ động xây dựng quỹ dự phòng tài chính đủ mạnh để duy trì thanh khoản, ứng phó với các cú sốc như chi phí logistics tăng đột biến hoặc biến động tỷ giá.
Bài học từ đại dịch COVID-19 giúp chúng tôi đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến và mô hình bán lẻ đa kênh.
Sự linh hoạt và thận trọng sẽ giúp doanh nghiệp tránh những cú sốc lớn và giữ được ổn định. Cùng với đó, thích ứng chủ động là “chìa khóa”.
– Vậy ông có đề xuất biện pháp hỗ trợ gì từ Chính phủ? Những chính sách “chống sốc” nào cần thiết để vừa bảo vệ sự phát triển doanh nghiệp, vừa duy trì sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài?
Trong bối cảnh đầy khó khăn này, đặc biệt là đối với khu vực FDI, vai trò trung tâm hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam là rất quan trọng. Tôi thấy Chính phủ đã và đang chủ động vào cuộc và kỳ vọng những nỗ lực đó sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, Chính phủ nên xem xét triển khai các chính sách “chống sốc” hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính và chi phí, triển khai gói hỗ trợ tạm thời cho các ngành chịu ảnh hưởng nặng. Điều này có thể bao gồm giãn hoặc giảm thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, miễn giảm chi phí logistics hoặc thủ tục hành chính, qua đó giúp doanh nghiệp duy trì thanh khoản, ổn định sản xuất và giữ việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, bên cạnh ứng phó ngắn hạn, Chính phủ cần duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn, tiếp tục đảm bảo cân bằng lợi ích giữa thu hút FDI và phát triển kinh tế bền vững. Tôi kỳ vọng môi trường pháp lý tại Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng và ổn định về kinh tế vĩ mô – những yếu tố then chốt để nhà đầu tư yên tâm rót vốn dài hạn.
Tôi tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á, đặc biệt khi Chính phủ đang thể hiện rõ cam kết đổi mới, hướng tới xanh hóa và số hóa nền kinh tế. Những doanh nghiệp FDI có tầm nhìn dài hạn chắc chắn sẽ sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Tôi có niềm tin rất lớn vào sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam. Sự chủ động, linh hoạt từ phía Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp FDI vượt qua thử thách, và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho đầu tư trong mọi hoàn cảnh.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn