Trong bối cảnh thời trang bền vững được chú trọng, mô hình hợp tác giữa nhà thiết kế và làng nghề truyền thống đang mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp thời trang VN. Không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường, mô hình này còn bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.
Các sản phẩm, chất liệu thiên nhiên như vải và sợi gai dầu, tơ tằm… được tạo ra bởi thợ thủ công, nghệ nhân các thôn, làng như Sán Séo Tỷ (Hà Giang), Nam Cao (Thái Bình), Mỹ Đức (Hà Nội)…, là nền tảng cho nhiều thương hiệu thời trang bền vững hiện nay như Hemp Oi, La Phạm, Mã Châu hay các nhà thiết kế (NTK) như Lê Thanh Hòa, Vũ Việt Hà, Cao Minh Tiến, Phạm Ngọc Anh…

Nghệ nhân Sầm Thị Tình (dân tộc Thái, H.Quỳ Châu, Nghệ An) là đối tác quen của các nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh, Phan Đăng Hoàng… ẢNH: LA PHẠM
Hợp tác với đội ngũ thợ lành nghề, nghệ nhân tại các làng nghề từ khâu dệt vải, nhuộm sợi, thêu tay đến đắp thổ cẩm để sản xuất ra các sản phẩm thời trang mang tính độc bản, đậm bản sắc văn hóa đang là xu hướng được các nhà sản xuất, NTK theo đuổi.
NTK Phạm Ngọc Anh chia sẻ: “Trước đây, sản phẩm thủ công dân tộc chỉ phục vụ nội bộ cộng đồng hoặc số ít dành cho khách du lịch tới địa phương. Hiện nay, thông qua hợp tác với NTK, sản phẩm đã đến được với thị trường rộng hơn, trong và ngoài nước. Nhiều nghệ sĩ, doanh nhân, người nổi tiếng lựa chọn sản phẩm thời trang dân tộc như một cách thể hiện gu thẩm mỹ và sự trân trọng văn hóa truyền thống. Đây là tín hiệu tích cực cho một ngành thời trang bền vững”.
Hemp Oi, thương hiệu của nữ CEO 9x Trần Phương Thảo, ứng dụng chất liệu tự nhiên từ vải và sợi gai dầu kết hợp kỹ thuật dệt truyền thống của bà con thôn Sán Séo Tỷ (Hà Giang), nhằm tạo ra sản phẩm thời trang tối giản nhưng độc đáo, có tính ứng dụng cao và mang đậm giá trị văn hóa bản địa. Các thiết kế của Hemp Oi rất được lòng khách hàng trong nước lẫn quốc tế.
Để công việc được thuận lợi, Trần Phương Thảo cùng các cộng sự đã liên kết với nhóm thợ tại địa phương, cùng hợp tác để bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, đồng thời nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con. Hiện nhóm đang từng bước xây dựng mô hình sản xuất ổn định, tiến tới thành lập hợp tác xã, đồng thời chuẩn bị hoàn thiện một không gian sinh hoạt cộng đồng – nơi làm việc, đào tạo và tổ chức hoạt động văn hóa – như một phần trong chiến lược phát triển bền vững gắn với cộng đồng địa phương.
Chia sẻ với Thanh Niên, chủ nhân của thương hiệu Hemp Oi nói: “Vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủ công, bền vững và mang bản sắc văn hóa ngày càng gia tăng – đặc biệt ở các thị trường quốc tế như châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ tìm kiếm cái đẹp mà còn quan tâm đến câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm: ai làm ra, làm như thế nào, có thân thiện với môi trường và tôn trọng giá trị con người hay không… Vì vậy, chúng tôi tin rằng những sản phẩm làm từ sợi gai dầu thủ công của người H’Mông – với quy trình sản xuất tự nhiên, không hóa chất, và giá trị văn hóa sâu sắc – hoàn toàn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Không chỉ là một sản phẩm, đây còn là cầu nối để thế giới biết đến một phần tinh hoa văn hóa VN qua bàn tay của những người thợ vùng cao”.

Thương hiệu Hạnh Silk được xem là đã khôi phục thành công làng nghề dệt đũi tại Thái Bình, vốn từng bị mai một ẢNH: HẠNH SILK
Một ví dụ điển hình khác là Hạnh Silk của doanh nhân Lương Thanh Hạnh tại Thái Bình. Thương hiệu không chỉ phục hồi nghề dệt đũi mà còn xây dựng vùng nguyên liệu riêng, hướng dẫn bà con chuyển đổi canh tác hữu cơ và giảm sử dụng thuốc nhuộm công nghiệp. Mục tiêu là sản xuất bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tại Quảng Nam, CEO Trần Yến (lụa Mã Châu) trở về quê hương để thực hiện ước mong xây dựng mô hình hợp tác xã thời trang xanh. Hiện chị đang kết hợp cùng các NTK như Lê Thanh Hòa, Huy Võ, Ngô Nhật Huy… để khôi phục các hoa văn, họa tiết, các dòng lụa cổ đã thất truyền, sản xuất sợi dệt tự nhiên, nhuộm thực vật tạo nên những nguyên liệu, sản phẩm mang chuỗi giá trị xanh, tốt cho đời sống, môi trường. Nỗ lực của nữ CEO cũng thuộc thế hệ 9x này đã được đền đáp, chỉ trong thời gian ngắn, lụa Mã Châu đã hồi sinh, đang dần vươn tới các thị trường Mỹ, Pháp, Úc qua bộ sưu tập của nhiều NTK.
Khi khách hàng trân trọng câu chuyện đằng sau sản phẩm
NTK có chất liệu xanh, bền vững cung cấp cho các khách hàng khó tính; người dân có thu nhập ổn định, được công nhận giá trị nghề truyền thống; người tiêu dùng được quyền lựa chọn các sản phẩm phục vụ lối sống thân thiện và có trách nhiệm. “Nếu có hệ thống hợp tác xã vận hành hiệu quả và chính sách hỗ trợ bài bản, hàng trăm làng nghề truyền thống cùng NTK tài năng trên cả nước không chỉ tồn tại mà sẽ phát triển mạnh mẽ cùng ngành thời trang hiện đại”, CEO Trần Yến khẳng định.
NTK Phạm Ngọc Anh nhận định: “Thời trang bền vững không thể đến từ một phía. NTK phải về làng, hiểu nghề và cùng bà con phát triển. Tôi chọn thiết kế ít nhưng có chiều sâu. Khi khách hàng trân trọng câu chuyện đằng sau sản phẩm, họ mua theo hiểu biết chứ không theo xu hướng ngắn hạn”. CEO Phương Thảo chia sẻ thêm: “Sản phẩm không chỉ đẹp mà còn có linh hồn. Muốn làm được điều đó, cần có chuỗi cung ứng bền vững bắt đầu từ người làm vải. Đó là lý do các hợp tác xã xanh được hình thành”.
Mô hình hợp tác giữa NTK và làng nghề không chỉ là giải pháp phát triển bền vững, mà còn là con đường gìn giữ bản sắc văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương một cách hài hòa, nhân văn.
Nguồn: thanhnien.vn